Phụ huynh 'chạy' điểm thi THPT Quốc gia 1 tỷ đồng có thể phải chịu mức án ra sao?

28/05/2019 09:46:00

Nếu mỗi trường hợp 1 tỷ đồng để “chạy điểm” trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La thì cả phụ huynh, các đối tượng sửa, nâng điểm sẽ bị xử lý tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.

Liên quan tới sai phạm trong công tác chấm thi Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La, mới đây cơ quan công an đã chuyển hồ sơ vụ án sang viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: ông Trần Xuân Yến (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La); ông Lò Văn Huynh (Trưởng Phòng khảo thí của Sở); bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Phó trưởng Phòng khảo thí); bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng khảo thí); bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng của Sở), ông Đặng Văn Thủy (Trường THPT Tô Hiệu, TP.Sơn La); ông Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá, Phòng an ninh chính trị nội bộ công an tỉnh); ông Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, Phòng an ninh chính trị nội bộ).

Phụ huynh 'chạy' điểm thi THPT Quốc gia 1 tỷ đồng có thể phải chịu mức án ra sao?
Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La (áo trắng), nghe tống đạt quyết định khởi tố bị can trong vụ án nâng điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La. Ảnh: TL

Những ngày qua, một số báo điện tử đăng tải thông tin về kết quả điều tra ra lận thi cử tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La với nội dung: "Giá nâng điểm trung bình mỗi trường hợp 1 tỷ đồng"... Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), nếu cơ quan cảnh sát điều tra đã có kết luận các trường hợp được nâng điểm là do phải chi đến cả tỷ đồng để tác động đến người có chức vụ quyền hạn, kết quả này cho thấy ở đây có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.

Nếu xử lý về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ thì cả người sửa điểm và người nhà của thí sinh (những người đã tác động để được sửa điểm cho con, cháu mình) đều bị xử lý hình sự và mức xử lý cao nhất có thể lên đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cũng theo luật sư Cường, đối với phụ huynh hoặc người nhà thí sinh (người đã tác động để sửa điểm), nếu đưa tiền, lợi ích vật chất để người có chức vụ quyền hạn sửa điểm, nâng điểm cho con, em, cháu mình thì rõ ràng đây là hành vi đưa hối lộ, hành vi này bị phải bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 bộ luật hình sự. Với số tiền đưa hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên thì người đưa hối lộ sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù.

"Dư luận đang rất mong chờ vào kết quả giải quyết triệt để, công bằng, thấu tình đạt lý của các cơ quan tiến hành tố tụng tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Nếu động cơ, mục đích của việc nâng điểm, sửa điểm là yêu tố vật chất, vì lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của cá nhân thì cần phải xem xét đến các tội danh có yếu tố tư lợi, trục lợi (Tội nhận hối lộ).

Khi đã chứng minh được bản chất vụ việc là "mua điểm", "chạy trường" mua bán, đổi chác làm sai lệch công vụ thì dư luận mong muốn phải xử lý hình sự cả người đưa tiền và người nhận tiền về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ mới đúng pháp luật, mới đủ sức răn đe, phòng ngừa cho xã hội và mới đảm bảo công bằng, bình đẳng trước pháp luật" - Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm.

Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)