Hôm nay, Trường Quốc tế Mỹ đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, học sinh đến trường một số đã phải ngồi căn tin. Một phụ huynh có con đang học lớp 2 và 4 của trường cho hay, vào 20h57 ngày 18/3 (tức ngày học sinh phải nghỉ học do nhà trường thông báo "không đủ giáo viên"), phụ huynh tiếp tục nhận được thư điện tử (email) nhà trường.
Trong email, AISVN thông báo: "Sau một ngày làm việc cùng với các cơ quan ban ngành cũng như các nhà đầu tư, những vấn đề về nhân sự, tài chính của nhà trường vẫn đang tiếp tục được quyết liệt giải quyết".
Trường sẽ hoạt động trở lại để đảm bảo lợi ích của toàn thể học sinh hiện tại, nhưng "việc dạy và học vẫn sẽ có sự gián đoạn không thể tránh khỏi trong tuần này". Nhà trường sẽ nhanh chóng giải quyết các vấn đề cấp bách để việc dạy và học trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo thông tin từ nhóm phụ huynh học sinh AISVN, khi đưa con em đến trường vào sáng 19/3, họ nhìn thấy bảng thông báo hướng dẫn học sinh với nội dung: Lớp 6 - sẽ ở khu thư viện của căn tin, ngồi cùng cố vấn học tập; Lớp 7 - Khu vực hồ bơi của căn tin, ngồi cùng cố vấn học tập…
"Hôm nay, tôi vẫn cho con đến trường nhưng không có giáo viên dạy. Ở cuộc họp ngày 17/3, nhà trường yêu cầu chúng tôi phải nộp thêm tiền để có cơ sở trả tiền cho giáo viên và đây không phải lần đầu tiên.
Nhiều lần trước, nhà trường cũng đã thu của chúng tôi những khoản khác bất hợp lý. Trong một vài lần đầu, chúng tôi vì thương con mà nhượng bộ, nhưng vừa rồi nhà trường lại tiếp tục chiêu thức này.
Tiền chúng tôi gửi, nhà trường chỉ dùng một phần nhỏ để chi trả lương, khiến giáo viên không có lương. Vì vậy, họ đã đồng loạt nghỉ việc. Giáo viên quá ngao ngán với những lần thất hứa trả lương, họ không đến dạy và bắt buộc nhà trường phải cho học sinh nghỉ.
Trước sức ép của dư luận, nhà trường cho học sinh quay lại việc học. Gọi là đi học để đối phó dư luận chứ phần lớn giáo viên không đi dạy…”, một phụ huynh chia sẻ với VietNamNet.
Phụ huynh cầu cứu
Hiện một nhóm phụ huynh AISVN đã ký và gửi đơn "cầu cứu khẩn cấp" đến cơ quan chức năng tại TP.HCM. “Chúng tôi gửi đơn vì 1.400 học sinh đang bị thất học, vì không có giáo viên dạy. Nguyên nhân là do chủ sở hữu trường không thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội cho giáo viên khiến con chúng tôi thất học” – phụ huynh nói.
Trong đơn của một phụ huynh có nêu: Tính đến ngày 16/3 là hơn 14 ngày - khoảng thời gian 1.400 học sinh các cấp từ 3 tuổi đến 18 tuổi ở Trường quốc tế Mỹ đã phải chịu đựng sự hoang mang. Hàng ngày, các em đến trường không biết có được học hay không, giáo viên có thể đến trường không vì họ không được trả lương từ tháng 1/2024. Thực tế, có tiết học có giáo viên nhưng cũng không ít tiết cả trăm học sinh ngồi không vì không có giáo viên.
Vào 15h30 thứ Năm ngày 14/3, trước sự bức xúc và phẫn nộ của toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh, bà Nguyễn Thị Út Em đã tổ chức cuộc họp. Trong cuộc họp, bà Út Em đã không đưa ra bất cứ một giải pháp hay cam kết nào trước những vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Cụ thể: Khi nào có thể thực hiện quyền căn bản của việc đi học đầy đủ giờ như cam kết trong hợp đồng đào tạo giữa tất cả phụ huynh và nhà trường? Khi nào sẽ thanh toán tiền lương đã quá hạn với giáo viên, cán bộ công nhân viên theo đúng hợp đồng lao động để họ có thể trở lại công tác? Khi nào sẽ khôi phục lại bảo hiểm y tế với giáo viên theo đúng hợp đồng lao động?
Cũng trong cuộc họp ngày 14/3, bà Nguyễn Thị Út Em - với vai trò là người chịu trách nhiệm trước pháp luật của trường, đã thể hiện thái độ không hợp tác, không cầu thị và vô cảm trước những khó khăn và tình trạng bấp bênh của việc tổ chức dạy và học mà giáo viên, học sinh và phụ huynh đã, đang phải đối mặt.
Phụ huynh cũng nêu, từ tháng 9/2023, thông tin nhà trường nợ lương và chậm trả lương giáo viên đã bắt đầu được chia sẻ đến phụ huynh, chất lượng tổ chức giảng dạy xuống cấp. Bà Út Em đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, và kêu gọi phụ huynh tự nguyện đóng góp thêm tiền để nhà trường trang trải các khoản chi lương và công khai, minh bạch thu chi, báo cáo tài chính, kế hoạch tái cấu trúc nhà trường để giải quyết tình trạng hoạt động bấp bênh gây ảnh hưởng việc học tập của hơn 1.400 học sinh.
Theo đó, phụ huynh đã chung tay hỗ trợ, đóng góp thêm tiền mặt để nhà trường chi trả một phần cho các hoạt động chung. Tuy nhiên, từ đó tới nay, bà Út Em tiếp tục bưng bít thông tin, không công khai minh bạch thu chi, nhiều lần thất hứa với những nội dung đã cam kết với phụ huynh.
Phụ huynh thông tin thêm, hơn 90% gia đình đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở Trường AISVN dưới hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư. "Tổng số tiền đã đóng vào hay nói cách khác là bà Út Em đã huy động đang nợ chúng tôi lên đến hơn 3.200 tỷ Việt Nam đồng".
Theo đơn, phụ huynh cho rằng, điều này thể hiện tình hình khẩn cấp nêu trên đã và đang diễn ra tại Trường Quốc tế Mỹ.
"Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do bà Nguyễn Thị Út Em lạm dụng tín nhiệm và chiếm đoạt sử dụng sai mục đích số tiền phụ huynh đã đóng vào cho nhà trường để con chúng tôi có thể theo học với chất lượng quốc tế, theo chuẩn kiểm định quốc tế đã được nhà trường cam kết", người này nói thêm.
Theo Lê Huyền (VietNamNet)