Trong cuộc họp diễn ra ngày 25/5 do Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, đại diện Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - đơn vị quản lý, bảo trì tuyến Quốc lộ 5) cho biết tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn tái diễn và ngày càng phức tạp.
Theo đó tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, dựng rạp phục vụ hiếu hỉ; tập kết vật liệu dưới lòng đường, xây dựng lều quán, tường rào, công trình kiến trúc trong đất đường bộ và hành lang an toàn đường bộ làm cản trở, che khuất tầm nhìn gây mất an toàn giao thông.
Trước đó vào tháng 3, đơn vị này đã có văn bản gửi Ban an toàn giao thông, Sở GTVT tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Văn Lâm, huyện Yên Mỹ đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải toả vi phạm hành lang an toàn đường bộ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tái lấn chiếm.
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên ngày 27/5, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vẫn ngang nhiên tồn tại.
Cụ thể, tại Km16+970 (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm), Km28+753 (phường Bạch San, thị xã Mỹ Hào) tỉnh Hưng Yên, người dân lấn chiếm gầm cầu kinh doanh, buôn bán.
Đáng lưu ý, tại Km12+810 (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) toàn bộ lòng đường gom của tuyến Quốc lộ 5 dài hơn 200m đã biến thành chợ tạm tồn tại nhiều năm.
Mặc kệ xe ô tô lao vun vút trên Quốc lộ 5, chỉ cách đúng hàng rào hộ lan có người bán, người mua nườm nượp sát bên. Hai bên đường hàng chục gian hàng được bày bán đủ loại thực phẩm: thịt, cá, hải sản, rau, hoa quả…
Thậm chí, ở đây còn có cả hàng bán cây cảnh. Một tiểu thương bán cây cảnh cho biết đã bán mặt hàng này ở đây hơn 4 năm. Để được bày bán chị cũng phải nộp tiền cho ban quản lý chợ. Hàng tháng, bảo vệ chợ Như Quỳnh đi thu “tiền tươi” nhưng không có phiếu thu. Mức tiền thu được tính theo diện tích bày hàng.
“Nhiều lúc thấy xe chạy ầm ầm ngay bên cạnh cũng sợ lắm. Cũng biết nguy hiểm nhưng vì cả dãy bao người cùng bán như thế nên thấy đỡ hơn”, tiểu thương này cho hay.
Không chỉ chiếm lòng đường gom họp chợ, bên trong cống dân sinh nối thông hai bên đường đoạn này cũng bị người dân bày bán các loại đồ dùng dễ cháy (chổi, rổ, rá, mũ, nón lá…).
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trương Tất Hùng - Đội trưởng Đội quản lý quốc lộ 5 (Xí nghiệp Xây dựng và bảo trì đường bộ, VIDIFI) cho biết, trên địa phận tỉnh Hưng Yên có 2 khu vực chợ Như Quỳnh (km 13), khu vực chợ Đường Cái tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Bởi việc họp chợ chiếm toàn bộ lòng đường gom khu vực cống dân sinh làm các phương tiện xe máy, xe thô sơ phải đi vào làn cơ giới. Trường hợp xảy ra tai nạn giao thông sẽ rất nghiêm trọng do khu vực này họp chợ, tập trung đông người.
“Năm 2021, 2022 tại các khu vực chợ này đã từng xảy ra tai nạn giao thông”, ông Hùng thông tin.
Ông Hùng cho hay, dù đã phối hợp với địa phương tổ chức giải toả, nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ vẫn tái diễn.
“Để giải quyết triệt để vấn đề này, không chỉ riêng đội quản lý đường bộ mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương”, ông Hùng nói.
Mong muốn của đơn vị quản lý đường bộ là vậy nhưng khi phóng viên liên lạc với UBND thị trấn Như Quỳnh, lãnh đạo thị trấn "cáo họp" đồng thời giới thiệu tới Ban quản lý chợ.
Thế nhưng, trao đổi qua điện thoại, ông Ngô Văn Trãi, Ban quản lý chợ Như Quỳnh lại cho rằng việc lấn chiếm lòng lề đường ở ngoài chợ, khu vực đường Quốc lộ 5, “không thể giải quyết được vì ngoài phạm vi quản lý”.
Theo N.Huyền - Bảo Khánh (VietNamNet)