Bệnh gì cũng “cắt, đốt”
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, công tác quản lý y tế tư nhân tại TP.HCM rất phức tạp, với hơn 40.000 y bác sĩ, 200 phòng khám đa khoa và 4.500 phòng khám tư nhân. “Hiện nay, công tác khám chữa bệnh còn một số bất cập. Sở Y tế quản lý về các chức năng khám chữa bệnh dựa theo đăng ký, thẩm định và cấp phép hành nghề trong phạm vi toàn quốc (từ Bộ Y tế) đối với y bác sĩ người nước ngoài” - ông Bỉnh phân trần.
Bác sĩ người Trung Quốc (thứ ba từ phải) khám bệnh tại phòng khám đa khoa Hồng Bàng (quận 6, TP.HCM). ảnh: Hữu Khoa |
Bà Trâm nêu đích danh các Phòng khám đa khoa Thế Giới (quận 5), Phòng khám đa khoa Quốc tế (quận 1), Phòng khám đa khoa Elizabeth (quận 10)… Thực tế, báo chí đã nhiều lần phản ánh về kiểu khám bệnh “chặt chém”, hù doạ của những phòng khám này.
Đàn ông có bệnh lý nam khoa đến các PKTQ đều được chỉ định cắt bao quy đầu với chi phí 20-30 triệu đồng. Họ dọa bệnh nhân rằng bao quy đầu dễ gây viêm nhiễm, có nguy cơ gây ung thư và nếu cắt, sẽ giúp lâu xuất tinh hơn khi quan hệ (?). Ngoài nam khoa, PKTQ còn can thiệp cả tiêu hoá (cắt trĩ) và phụ khoa. Chị em nào cũng được tư vấn đốt trong âm đạo với kiểu hù bệnh nhân bị mào gà, lộ tuyến tử cung…
Về hành vi “chặt chém”, theo ông Bỉnh, nếu các phòng khám này “niêm yết giá rõ ràng thì coi như người dân phải chi trả theo giá đó”.
Còn về việc các PKTQ hù doạ, chỉ định sai, chẩn đoán sai, ông Bỉnh thừa nhận các vụ việc vẫn chủ yếu do báo chí phát hiện, sau đó Sở Y tế tái kiểm tra. “Nhưng khi Sở Y tế tới nơi thì mọi việc đã xảy ra rồi. Và trên hồ sơ chứng từ không còn lưu lại” - ông Bỉnh nói.
Cũng theo ông Bỉnh, hàng năm Thanh tra sở tái kiểm 3-4 lần đối với các phòng khám nước ngoài, trong đó có PKTQ. “Vừa rồi, TP.HCM đã kiểm tra 20 phòng khám như thế. Kết quả rất thất vọng với hơn một nửa dưới mức trung bình các tiêu chuẩn của ngành y tế” - ông Bỉnh cho biết. Và Thanh tra Sở Y tế chỉ có thể phát hiện những lỗi hành chính như không lập hồ sơ bệnh án, ghi chép bệnh án không đầy đủ, cấp đơn thuốc không đúng quy định... “Chưa nói đến việc chẩn đoán đúng sai từ các phòng khám này vì cơ quan chuyên môn phải thẩm định lại” - ông Bỉnh trả lời.
Chế tài quá nhẹ
Các bác sĩ nam khoa của Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) từng cho biết những sự thật kinh hoàng: Nhiều bệnh nhân bị các bác sĩ Trung Quốc dùng dao rạch thám sát dương vật với vết rạch ở giữa lưng hoặc gần gốc dương vật… Bởi theo giải thích của các bác sĩ này, xuất tinh sớm phải rạch ra như thế để xem có nhiều dây thần kinh hay không? Sau đó kết luận dây thần kinh nhiều lắm, phải cắt bớt đi… Chưa kể, có “trò” cứ vào siêu âm thì kết luận viêm tuyến tiền liệt. Cách điều trị lạ đời là đặt ống thông tiểu cho bệnh nhân với cách giải thích “cho gần tuyến tiền liệt để bơm thuốc vô trong đường tiểu” (?).
Các bác sĩ nam khoa khẳng định, trong y học không thể tồn tại các phương pháp điều trị lạ lùng như tại các PKTQ.
Theo Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay các biện pháp chế tài vẫn còn quá nhẹ. “Không có giấy phép hành nghề, hoặc hành nghề vượt ngoài chức năng khám chữa bệnh thì phạt thật nặng. Trường hợp đặc biệt nặng, sẽ rút giấy phép, nhưng cũng chỉ rút được có 6 tháng thôi. Các phòng khám mà đại biểu nêu, vừa qua chúng tôi đã phạt đến 900 triệu đồng nhưng họ vẫn cứ bỏ ra đóng phạt. Những cơ sở bị rút phép 6 tháng tại địa điểm này, thì họ sẽ di chuyển qua nơi khác, chấp nhận bỏ cơ sở cũ luôn. Quản lý phòng khám có yếu tố nước ngoài rất nhiều bất cập” - ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói. /.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, đầu năm 2017, ngành y tế sẽ có cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ các chi tiết, trong đó có hệ thống hành nghề, chứng chỉ hành nghề của gần 40.000 cán bộ nhân viên y tế, chức năng hoạt động của các phòng khám, tên phòng khám... để các cơ sở y tế địa phương quản lý cũng như người dân có thể tìm hiểu và biết chức năng hành nghề của các phòng khám đó khi đi khám. |
Theo Quốc Ngọc (Dân Việt)