Pho tượng bảo vật quốc gia bị bẻ vật cầm tay

14/02/2016 08:50:15

Tưởng pho tượng làm bằng đá quý, người dân bẻ vật cầm tay trước khi bị tịch thu. Hai vật này sau đó bị xã giữ gần 40 năm và nhất quyết không bàn giao cho bảo tàng.

Tưởng pho tượng làm bằng đá quý, người dân bẻ vật cầm tay trước khi bị tịch thu. Hai vật này sau đó bị xã giữ gần 40 năm và nhất quyết không bàn giao cho bảo tàng.

 

Pho tượng Bồ tát Tara đang được bảo quản tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Tiến Hùng.

Mối liên hệ giữa tượng quý và vương quốc Chămpa

Trung tuần tháng 8/1978, một người dân thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam) trong lúc nhặt gạch Chăm từ Phật viện Đồng Dương về làm nhà vô tình phát hiện pho tượng quý. Pho tượng Bồ tát bị vùi lấp sâu 3 m dưới chân tháp Sáng, ngọn tháp duy nhất sót lại ở nơi từng là Phật viện lớn nhất Đông Nam Á vào thế kỷ 9.

Pho tượng cao 114 cm làm bằng đồng, mang hình dáng Bồ tát Laksmindra Lokesvara hay còn gọi là Bồ tát Tara vẫn còn nguyên vẹn sau khi ngủ yên dưới lòng đất hơn nghìn năm. Tượng được khảm thêm đá quý ở mắt, trán. Nét mặt của tượng vừa nghiêm trang, thánh thiện nhưng cũng hoang sơ, trần tục. Tay phải tượng xòe ra đỡ bông sen búp, tay trái đỡ bông sen đã nở. Trái với phần trên của tượng được để trần, phần dưới được che kín bởi 2 lớp váy, ôm sát hông đùi đến tận mắt cá… Đây được đánh giá là tượng độc bản, có giá trị nghệ thuật đỉnh cao.

Theo nhiều tài liệu về lịch sử Vương quốc Chămpa, năm 875, vua Indravarman II cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều có tên Tara, một biến thân của Quan thế âm Bồ Tát. Tương truyền trong Phật giáo, nữ thánh Tara có tấm lòng cứu độ đại từ bi đầy quyền lực. Xúc động trước nỗi khổ cực của trần thế, có một lần Quan thế âm Bồ Tát rỏ những giọt lệ và hòa quyện thành một biến thân mới có tên là Tara.

Tên của kinh đô mới là Indrapura, hay còn gọi là kinh thành sấm sét được xây dựng trên mảnh đất của làng Đồng Dương ngày nay. Đây cũng là giai đoạn duy nhất trong lịch sử Chămpa, Phật giáo hưng thịnh và được coi trọng hơn những tôn giáo khác. Pho tượng Tara được phát hiện trong tư thế nằm ngửa, xung quanh được sắp đặt các lớp gạch bảo vệ ngay ngắn. Chính vì vậy, có giả thuyết cho rằng pho tượng quý này được cất giấu tại đây khi Chămpa bị xâm lược vào cuối thế kỷ 10. Lúc này kinh thành Indrapura bị phá hủy.
 

Pho tượng không còn nguyên vẹn khi người dân bẻ hai vật cầm tay trước khi bàn giao cho chính quyền. Hai vật này bị xã thu giữ gần 40 năm qua. Ảnh: Tiến Hùng.

7 đời chủ tịch xã cất giấu một phần bức tượng quý

Theo ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, sau khi phát hiện, bức tượng được người làng Đồng Dương đem về cất giấu rất kỹ và xem đó như báu vật chung của cả làng. Tuy nhiên, ngày hôm sau chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) hay tin và cho người xuống thu hồi. “Lúc đó người dân nhất quyết không giao tượng, tỉnh phải huy động rất nhiều công an xuống. Vì chưa có luật tìm thấy cổ vật phải bàn giao cho chính quyền nên người dân không chịu đưa cũng có lý”, ông Túc nói. Cũng giống phần lớn dân thôn Đồng Dương, ông Túc là hậu duệ của những người Chăm từng làm chủ ở vùng đất này.

Sau nhiều cuộc tranh cãi giữa chính quyền và người dân, cuối cùng bức tượng được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chămpa TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi tiếp nhận về bảo tảng, pho tượng đã không còn nguyên vẹn. “Do khi đào bức tượng lên bị gỉ đồng màu xanh nên trông giống như làm bằng đá quý. Vì vậy trước khi bàn giao, người dân đã bẻ hai vật cầm tay trên pho tượng”, ông Túc nói. Sau một thời gian vận động, hai vật này được chính quyền xã Bình Định Bắc thu giữ.

Chính quyền xã bảo quản và xem vật bị bẻ như báu vật, chỉ có chủ tịch xã mới có quyền cầm chìa khóa và biết chỗ cất giữ. Mọi thông tin về chúng được các lãnh đạo xã giữ tuyệt đối bí mật. Từ đó đến nay, đã 7 đời chủ tịch xã Bình Định Bắc thay nhau giữ và chưa hẹn ngày trả lại cho bảo tàng để pho tượng được hoàn thiện. “Mới có một giáo sư lặn lội từ Hà Nội vào thì tôi mới mở ra cho xem. Tuy nhiên, khi ông ta đề nghị được đúc bản sao, tôi từ chối”, ông Túc nói.

Nhiều lần bảo tàng đề nghị xã trao trả hai vật này nhưng bị chủ tịch xã cương quyết từ chối. “Không thể được, bảo tàng muốn nhận hai vật này thì phải bỏ tiền, hoặc phải đầu tư cho xã cái gì đó. Chứ không thể nói trao trả là trao trả”, vị chủ tịch xã khẳng định.

Do chính quyền xã nhất quyết không cho ai xem nên có nhiều nhận định khác nhau về hai hiện vật. Nhiều chuyên gia cho hay, hai vật trên hai tay pho tượng đồng là 2 quả lựu. Cũng có tài liệu nghiên cứu lại cho rằng tay trái pho tượng cầm một con ốc, tay còn lại cầm một đóa hoa 5 cánh. Trong hồ sơ đề nghị xã Bình Định Bắc trao trả hai hiện vật năm 1978, Ty Văn hóa, Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ghi hai hiện vật này là quả đào và búp sen. Trong khi đó, ông Trà Tấn Túc khẳng định, hai vật này là đóa hoa sen và quả cau.
 

Một bức ảnh hiếm hoi chụp hai vật cầm tay. Do xã không cho ai tiếp cận nên các chuyên gia vẫn chưa khẳng định được hai vật này là gì.

Cụ Trà Diếu (88 tuổi, thôn Đồng Dương) cho hay khi đào tượng lên, nhóm người khiêng về rồi báo cho làng biết, hàng trăm người dân hiếu kỳ kéo nhau đến xem. “Hai hiện vật trên tay là hai đóa sen, trong đó tay phải tượng cầm sen búp, tay trái cầm sen nở. Một trong những người đào được đã bẻ mất 2 đóa sen này”, cụ Diếu nói.

Sau này, khi  pho tượng đã được bảo quản trong bảo tàng nhưng người dân Đồng Dương vẫn không tin tưởng, nhiều lần đề nghị được thấy tận mắt tượng. Chính quyền tỉnh sau đó đã phải bố trí xe đưa gần 100 người dân ra Đà Nẵng để xem.

Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho hay Sở đã nhiều lần đòi hai hiện vật này nhưng chính quyền xã yêu cầu phải có tiền mới trao trả. “Sở thì làm gì có tiền. Nếu chiếu theo luật là xã Bình Định Bắc vi phạm, luật không cho phép giữ bảo vật quốc gia. Sau này, khi đã khai quật xong Phật viện Đồng Dương, chúng tôi sẽ làm nhà trưng bày, lúc đó phải đòi bằng được”, ông Tịnh nói.

Theo Tiến Hùng (VnExpress.net)