Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, người này và 5 người đi cùng đã vượt sông biên giới vào lúc 3 giờ sáng ngày 24/12, do người phía bên Campuchia đưa sang Việt Nam bằng xuồng không có động cơ và chèo tay chở từng người một qua đoạn biên giới trên sông dài 50m. Bệnh nhân 1440 là người đi chuyến đầu tiên. Đồng thời, nhóm người này gọi điện trước thuê lái xe 7 chỗ (xe hợp đồng) đến điểm tập kết là một khu nhà tôn rồi chở vào nội địa.
“Bệnh nhân 1440 cũng đã khai báo trước cơ quan điều tra của Tây Ninh, Vĩnh Long và An Giang là đi qua sông quá êm, nên không bị phát hiện. Trước khi nhập cảnh trái phép về Việt Nam, đối tượng này đã sang nước ngoài làm thuê qua hướng cửa khẩu Lao Bảo ở Quảng Trị. Về trường hợp này, chúng tôi không có thanh minh gì. Cái gì sai thì phải khắc phục nhưng trước mắt cần truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan đến bệnh nhân 1440 này”.
Cũng theo Thiếu tướng Phương, đoạn sông biên giới này thuộc thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, là địa bàn do Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình quản lý. Nơi đây từng là trọng điểm buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, nên các tổ, chốt được bố trí dày đặc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là do đoạn biên giới dài và phức tạp, nằm trên sông chung giữa Việt Nam và Campuchia, cư dân hai nước sống sát hai bên biên giới và “một chiếc xuồng quay ngang cũng có thể thành một chiếc cầu”.
“Ngày 25 và 26/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Phó Tư lệnh Quân khu 7 và tôi đã đi kiểm tra, đôn đốc các hướng trọng điểm, trong đó chọn Tây Ninh, bởi tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp trên thế giới và ở một số nước trong ASEAN. Trên đường đi, chúng tôi nhận được thông tin về vụ việc bệnh nhân 1440 và lập tức chỉ đạo các biện pháp xử lý ngay trên đường công tác”, Thiếu tướng Phương nói.
Liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19 của lực lượng Biên phòng ở 10 tỉnh biên giới phía Nam và Tây Nguyên, Thiếu tướng Phương cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã có có kế hoạch tiếp tục tăng cường cán bộ tập trung hướng trọng điểm thuộc hai Quân khu 7 và Quân khu 9, đây là những địa bàn có đặc điểm đường sá giao thông, cư dân sinh sống sát biên giới. Ngày mai (29/12 - PV), Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục tổ chức 2 đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch ở những địa bàn này”.
Theo Thiếu tướng Phương, ngay từ đầu tháng 3, BĐBP đã thành lập trên 500 chốt gắn với các đồn, trạm có sẵn của 10 tỉnh biên giới phía Nam và Tây Nguyên. Đến nay đã có 541 chốt của biên phòng, chưa kể các chốt có sự tham gia của các lực lượng khác như công an, quân sự, dân quân địa phương, tùy theo tính chất từng đợt cao điểm hay từng địa bàn mà bố trí dày hay thưa.
“Vấn đề quản lý, bảo vệ biên giới và đặc biệt là trong chống dịch COVID-19 thì anh em biên phòng đã rất ý thức, bởi dịch này là nguy cơ sát sườn với cá nhân mỗi người cũng như gia đình họ và cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, quân số của chúng tôi 'bung' hết lên biên giới để lo chống dịch, có những anh em 9 tháng chưa được về nhà”, Thiếu tướng Phương nói.
Theo Nguyễn Minh (Tienphong.vn)