Làm gì trước khi bão đến? Bạn nên gia cố nhà cửa, xem lại dự trữ nước, lương thực để chuẩn bị bão đến. |
Tối 18/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận về triển khai công tác phòng chống bão số 14.
Trước đó, đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại cảng Ninh Chữ và khu nuôi trồng thủy sản Nhơn Hải (huyện Ninh Hải).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng số tàu thuyền đã vào neo đậu tại các cảng là 2.671 chiếc. Đã liên lạc được với 535 tàu thuyền với 4.256 lao động đang hoạt động trên các vùng biển đã được yêu cầu vào nơi tránh trú bão.
Số lồng bè nuôi trồng thủy sản là 114 lồng bè với 133 lao động được yêu cầu vào bờ. Việc sơ tán người dân trên các phương tiện tàu thuyền lồng bè, chòi canh, khu chăn nuôi thủy sản đã được di dời chằng chống an toàn.
Tỉnh di dời 3.141 hộ với 13.289 nhân khẩu ở vùng xung yếu, tổ chức chằng chống trên 3.000 căn nhà đảm bảo an toàn người dân.
Có 5 hồ nước trên toàn tỉnh đã triển khai xả tràn, các hồ khác vẫn còn ở mực nước chết. Công ty khai thác công trình thủy lợi sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn hồ đập, xả lũ đảm bảo đúng quy trình.
Báo cáo với Phó thủ tướng, đại diện Bộ TN&MT cho biết cơn bão số 14 sẽ đi thẳng vào khu vực Khánh Hòa - Ninh Thuận. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12, các địa phương phải có phương án đảm bảo tính mạng người dân, tài sản không chủ quan.
Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cung cấp video hướng dẫn các ngư dân, chủ tàu cách nhận biết bão và đưa tàu thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm. |
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng bão số 14 không lớn nhưng Ninh Thuận là địa phương ít bão, người dân ít có kinh nghiệm phòng chống. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của tỉnh còn khó khăn nên nếu bão đổ bộ sẽ gây ra thiệt hại nặng nề.
Phó thủ tướng chỉ đạo tỉnh tiếp tục triển khai các phương án phòng chống. Đặc biệt không được để ngắt thông tin liên khi triển khai các phương án chống bão; đảm bảo an toàn các công trình giao thông, hồ đập thủy lợi. Đồng thời, các lực lượng sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, không cho người dân ra biển khi chưa có lệnh.
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng đã đến tỉnh Khánh Hòa. Tại buổi kiểm tra, Phó thủ tướng nhấn mạnh tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, mà phải chủ động ứng phó đối với bão.
“Chính quyền địa phương các cấp phải quyết liệt trong công tác di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đối với các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, tuyệt đối không để còn người dân nào trên biển khi bão vào. Khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu. Đặc biệt phải tuyên truyền để người dân không chủ quan khi bão vào”, Phó thủ tướng nói.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, tính đến cuối giờ chiều 18/11, toàn tỉnh có 210 tàu cá với 1.238 thuyền viên đang hoạt động trên các vùng biển. Hiện, các tàu nói trên đã nhận được thông tin về cơn bão số 14 và có kế hoạch di chuyển, chủ động phòng tránh.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau cơn bão số 12, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển bị hư hỏng rất nhiều. “Sau bão, toàn tỉnh hiện chỉ còn lại 661 bè, chủ yếu tại địa bàn TP Cam Ranh và TP Nha Trang. Các địa phương đã thông báo, vận động và sơ tán số người trên các lồng bè vào bờ trước 16h chiều 18/11”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, để đối phó với bão số 14, toàn tỉnh Khánh Hòa phải sơ tán 6.352 hộ, với 22.604 người.
“Những nơi xung yếu, vùng trũng, nguy cơ sạt lở được ưu tiên di dời trước. Đến 19h tối 18/11, công tác di dời đã hoàn thành”, ông Vinh cho biết thêm.
Theo Huỳnh Hải - An Bình (Tri Thức Trực Tuyến)