Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc sau 2 cơn bão vừa qua để chủ động phòng chống bão số 3. |
Cập nhật tình hình bão, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, 7h sáng nay, bão số 3 đang mạnh cấp 8, giật cấp 10-11 và vẫn chưa đi vào Vịnh Bắc Bộ. Hiện bão còn cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 320 - 350km.
“Đây là cơn bão khó lường, có nhiều khác biệt với bão số 1 vừa qua, hoàn lưu bão rộng trên 200km nên phạm vi ảnh hưởng rất rộng”, ông Cường thông tin.
Dự báo khi vào bờ, lốc xoáy bão số 3 sẽ ít hơn bão số 1 nhưng gió giật mạnh hơn, ở cấp 12-14.
Bắt đầu từ đêm nay, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn trải khắp các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, lượng mưa 100-200m và đến sáng mai, chậm nhất là trưa mai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh này.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Theo ông Cường, cơn bão này rất mạnh nên ngay cả khi sang đến giáp Lào, bão vẫn chưa suy yếu thành áp thấp.
Đáng lưu ý, bão đổ bộ khi triều cường dâng cao, đặc biệt từ Hải Phòng - Thanh Hoá nước biển dâng 3-4m, kết hợp với sóng biển cao 3-5m sẽ là nguy cơ cực lớn cho đê điều.
Vùng nguy hiểm được xác định từ Bắc vĩ tuyến 17.
Đến sáng nay, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết đã kêu gọi được trên 36.000 tàu thuyền, tuy nhiên vẫn còn hơn 3.000 tàu thuyền chưa vào nơi trú tránh an toàn.
Sẽ kỷ luật nghiêm nếu để dân ở vùng nguy hiểm
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi yêu cầu các địa phương cần phải kiểm đếm tàu thuyền quyết liệt, rút kinh nghiệm bão số 1 vừa qua vẫn còn hơn 1.300 thuyền nhỏ bị đánh chìm.
Ngoài ra yêu cầu các địa phương vùng núi cần đặc biệt nghiêm cấm người dân địa phương ra sông, suối, vớt củi tránh bị lũ quét gây thiệt hại về người như vừa qua tại Lào Cai.
Tại các địa phương nguy cơ tâm bão đổ bộ như Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, hiện công tác phòng chống bão số 3 vẫn đang được triển khai quyết liệt.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết hiện chỉ còn 5 phương tiện, 15 lao động chưa vào bờ.
“Trước 10h sáng nay, nếu địa phương nào còn để lao động trên biển sẽ có quy chế xử lý, kỷ luật nghiêm”, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh và cho biết đã rút kinh nghiệm sau cơn bão số 1 vừa qua, việc di dời dân tại những vùng nguy hiểm đang được triển khai rốt ráo.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định đã hứa sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc để thực hiện phòng chống chống tốt cơn bão số 3, đồng thời đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn dự báo dày hơn, cụ thể về giờ và cấp bão đổ bộ.
Truyền thông phải liên tục cập nhật tin dự báo
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo lắng về nguy cơ cộng hưởng giữa bão và triều cường gây sức ép cho đê điều khi hầu hết hệ thống đê hiện nay mới chỉ đáp ứng được bão cấp 10, một số ít đoạn trung tâm chịu được bão cấp 11.
Bộ trưởng yêu cầu BCĐ Phòng chống thiên tai các tỉnh phải chuẩn bị chống bão trên tinh thần cao nhất, phát huy 4 tại chỗ, rút kinh nghiệm 2 cơn bão vừa qua để có được kịch bản tốt nhất.
Phó Thủ tướng đánh giá đây là cơn bão lớn, nếu không chủ động thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi do mưa kéo dài làm đất bão hoà.
Do đó để giảm xuống mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan khí tượng theo sát diễn biến mưa lũ, dự báo kịp thời, chính xác đến cơ quan thông tấn và các cơ quan liên quan để chủ động ứng phó.
Các cơ quan truyền thông phải liên tục cập nhật các bản tin dự báo để người dân biết và ứng phó.
Đồng thời, yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp lực lượng biên phòng, địa phương kiểm đếm tàu thuyền trên biển, yêu cầu di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.
“Không được để bất kể tàu thuyền nào còn trên biển khi bão đi qua, kể cả 1%”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngay sau buổi họp, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã trực tiếp xuống Nam Định kiểm tra công tác phòng chống bão.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)