Đại lộ Phạm Văn Đồng là một trong những con đường sầm uất nhất TP. HCM do mặt tiền đẹp, vì thế mà nhiều hàng quán, đặc biệt là quán nhậu mọc lên như nấm. Từ đó, tuyến đường này cũng được người Sài Gòn đặt cho cái tên mới là "phố nhậu", với bàn ghế ăn nhậu đặt tràn từ trong nhà ra tận vỉa hè.
Nếu như trước đây, vỉa hè con đường này luôn chật kín khách ngồi ăn uống thì hiện tại, bàn ghế vẫn sắp đặt tràn ra vỉa hè nhưng đều không có một khách ngồi ăn uống, trong nhà cũng tương tự, chỉ có nhân viên ngồi bấm điện thoại giết thời gian.
Theo nhiều chủ quán, từ khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp cộng với Nghị định 100 về việc xử phạt người có nồng độ cồn rất nặng nên khách cũng ngại đến ăn nhậu. Hầu hết các quán nhậu ở đây đều thuê mặt bằng với giá khá cao để kinh doanh nên họ tận dụng triệt để các khoảng trống từ trong nhà ra đến vỉa hè đặt bàn ghế.
Còn các nhân viên tại quán nhậu chia sẻ thêm, từ Tết đến giờ quán chỉ "lai rai" khách, có hôm chỉ 1 bàn với 2-3 người ăn uống, có hôm chẳng có khách nào. Chiều tối dọn bàn ra, xuống đường vẫy khách nhưng chẳng ai thèm vô, đến khua thì dọn vào, điệp khúc lặp lại mỗi ngày đều như vậy.
Cũng trên con đường này, nhiều quán cafe quá ế ẩm nên chuyển sang mô hình kinh doanh mới là Coffee Beer, nhưng chủ yếu bán bia và đồ ăn vặt nhẹ thay vì nhậu như các quán lâu năm. Tuy nhiên, các quán kiểu mới này cũng rơi vào tình trạng "buồn tênh", bàn ghế đặt tràn lan ra vỉa hè nhưng chẳng 1 khách ngồi, chỉ có nhân viên chia nhau ra ngồi cho đỡ trống.
Thậm chí có quán nhiều nhân viên xuống tận lề đường mời gọi, năng nỉ khách vào nhưng cũng chẳng khả quan.
Qua ghi nhận của chúng tôi, không chỉ "phố nhậu" Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp) mà nhiều quán nhậu ở các tuyến đường ở những quận khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trước đó do dịch bệnh Covid-19, nhiều quán cafe, cửa hàng ăn uống trên đường Phan Xích Long cũng rơi vào khủng hoảng, buộc phải đóng cửa ngưng hoạt động. Tương tự, nhiều shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) cũng trả mặt bằng. Có thể thấy, khi nào chưa hết dịch bệnh thì nền kinh tế, cuộc sống của người dân vẫn còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Tứ Quý (Trí Thức Trẻ)