Trao đổi với PV, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, đợt dịch mới này khó khăn hơn nhiều so với những đợt dịch trước đó.
Bởi hiện nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đều đã ghi nhận ca mắc. Các chùm ca bệnh đã xuất hiện rải rác từ quận đến huyện, từ khu vực nội thành đến ngoại thành.
Vấn đề lo ngại hiện nay ở thành phố, theo ông Tuấn chính là số lượng ca dương tính trong cộng đồng có thể nhiều, nhưng lại chưa phát hiện ngay được.
Ông Tuấn dẫn chứng như ổ dịch tại Công ty thực phẩm Thanh Nga (địa chỉ 15/651 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng) đã ghi nhận tới 21 ca dương tính SARS-CoV-2, nhưng lại chậm được phát hiện.
"F0 cộng đồng nhiều, nhưng ở các ổ dịch chậm được phát hiện nên thời gian lây nhiễm lâu, tăng theo cấp số nhân do tiếp xúc rất nhiều giữa các F0, F1.
Như Công ty thực phẩm Thanh Nga đã có ít nhất 3 chu kỳ lây nhiễm, nhưng tới 31/7 mới được phát hiện sau khi 1 nhân viên tại đây đi khám được xác định dương tính Covid-19", ông Tuấn nói.
Cũng theo lãnh đạo CDC Hà Nội, nhiều ca mắc bệnh nhưng lại có triệu chứng không rõ ràng.
Do đó, khi chỉ cần có biểu hiện nhỏ thay đổi về sức khỏe, như ho sốt, khó thở,... người dân cũng cần phải khai báo ngay cho cán bộ y tế địa phương để giám sát, lấy mẫu. Có nhiều trường hợp chỉ qua giám sát cộng đồng, qua triệu chứng ho, sốt, đã phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Thống kê của CDC Hà Nội cho hay, số ca F0 qua sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng là 58 người, xong số ca dương tính liên quan tới các ca ho, sốt trên đã lên tới 405 trường hợp cho thấy các F0 tiềm ẩn ngoài cộng đồng nhiều.
Thực tế, các chùm lây nhiễm lớn như nhà thuốc Đức Tâm (95 Láng Hạ), chùm 90 Nguyễn Khuyến (Q.Đống Đa), chùm Tân Mai (Q.Hoàng Mai) sau khi xuất hiện ca đầu tiên cách đây 10 - 15 ngày, tới nay vẫn tiếp tục phát sinh các ca bệnh mới là F1 của các bệnh nhân trước đó.
"Phải tăng cường giám sát và tổng lực xét nghiệm sàng lọc, truy vết, lấy mẫu diện rộng mới "bóc" được toàn bộ các F0 đang nằm rải rác tại cộng đồng, mới giảm được nguy cơ lây nhiễm, tránh phải kéo dài thời gian giãn cách", ông Tuấn nêu rõ.
Theo ông Tuấn, tại thời điểm hiện nay, muốn phát hiện kịp thời ca bệnh, tiến tới cách ly, ngăn chặn và sớm khoanh vùng, dập dịch, rất cần ý thức tự giác của người dân.
Mỗi người dân cần phối hợp với ngành y tế tuân thủ thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố, đồng thời tuân thủ thông điệp "5K" của Bộ Y tế.
Ngoài ra, cần tăng cường hiệu quả, vai trò của Tổ Covid -19 cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Các tổ Covid-19 cộng đồng cần tăng cường rà soát, khi phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho cần thông tin đến lực lượng y tế địa phương để lấy mẫu xét nghiệm.
Qua đó, phát hiện sớm ca bệnh, sau đó cách ly bệnh nhân ra khỏi cộng đồng thì sẽ không còn nguy cơ.
Theo các chuyên gia về phòng, chống dịch, mục đích của giãn cách xã hội nhằm hạn chế tiếp xúc để tiến tới cắt đứt nguồn lây, vì vậy, việc thực hiện yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết là rất quan trọng.
Tương tự, khi "ai ở đâu ở đó", nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở, việc liên hệ ngay với cơ sở y tế nhằm sàng lọc kịp thời, sớm phát hiện F0 trong cộng đồng.
Vì vậy, thành phố Hà Nội đã yêu cầu mọi người thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng nCovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...
Trước đó, theo CDC Hà Nội, tính đến trưa 2/8, Hà Nội có thêm 52 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, gồm 31 ca tại cộng đồng và 21 ca đã cách ly; nâng tổng số ca dương tính trong ngày từ sáng đến trưa lên 97 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 1.344 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 820 ca, số mắc là người đã được cách ly 524 ca.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)