Chúng ta đã trải qua 3 làn sóng Covid-19.
Làn sóng đầu tiên với chủng virus nguyên phát từ Vũ Hán (Trung Quốc). Một số bệnh nhân nặng, nhưng chưa ghi nhận tử vong.
Làn sóng thứ 2 ở Đà Nẵng, vẫn với chủng virus đó, nhưng bùng phát trong bệnh viện, gây ra 35 ca tử vong. Họ chủ yếu là những bệnh nhân rất nặng và có nhiều bệnh lý nền.
Làn sóng thứ 3 ở Hải Dương với biến chủng Anh. Mặc dù số người mắc khá lớn nhưng hầu hết ở những người trẻ, số ca nặng không nhiều và không có ca tử vong.
Vậy những trường hợp trẻ, khỏe mạnh liệu khi mắc Covid-19 có đáng lo không? Và người ta thường hay nói tuổi cao, có bệnh lý nền là yếu tố nguy cơ tử vong của bệnh Covid-19 thực chất nghĩa là gì?
Người quá lớn tuổi có thể tự nhiên mất mà không do bệnh lý gì (chết già). Do đó khi nhiễm Covid-19, cộng thêm chết do bệnh lý (chết bệnh) thì tỷ lệ tử vong đương nhiên sẽ tăng cao hơn so với người trẻ.
Hơn nữa, diễn biến Covid-19 ở người già cũng phức tạp và điều trị khó khăn hơn người trẻ tuổi. So sánh giữa nguy cơ tử vong của các nhóm bệnh nhân khác nhau, các nhà thống kê thường dùng khái niệm "tỷ suất chênh" (Odd Ratio- OR) để đo lường sự tác động của các yếu tố đến các nguy cơ mắc bệnh hay tử vong.
Thống kê trên 64.781 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại 592 bệnh viện tại Mỹ năm 2020 cho thấy, tỷ lệ tử vong chung ở các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng khoảng 20,3%. So với nhóm 18-34 tuổi thì nguy cơ tử vong của nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi tuổi có tỷ suất chênh OR=16,2. So với người khỏe mạnh thì nhóm bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong cao hơn với tỷ suất chênh OR=1,9.
Diễn giải thô sơ ra có nghĩa là, nếu mỗi 100 bệnh nhân nặng trẻ khỏe, có khoảng 20 người tử vong, thì nhóm 100 bệnh nhân trên 80 tuổi sẽ tử vong khoảng 66 người. Cùng lứa tuổi, nhóm bình thường tử vong 20 người thì nhóm có có bệnh tiểu đường sẽ tử vong cỡ 32 người.
Như vậy, khi nhiễm Covid-19, bất kỳ ai hay lứa tuổi nào đều có khả năng diễn biến nặng và tử vong. Thực tế ngay từ đầu mùa dịch, tại Vũ Hán đã ghi nhận bác sĩ Lý Văn Lượng mới 34 tuổi đã tử vong. Sau đó một loạt những người nổi tiếng khỏe mạnh như nữ cầu thủ Elham Sheikhi của Iran, lực sĩ Victor Luna của Brazil, lực sĩ đa tài Dmitriy Stuzhuk ở Ukraina, đều qua đời vfi Covid-19 khi tuổi đời còn rất trẻ.
Nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là cơ địa, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật. Sau nữa là diễn biến và độc lực của từng chủng virus. Nó cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán, điều trị của các thầy thuốc, khả năng cung cấp về giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc men và trang bị hồi sức cấp cứu của hệ thống y tế.
Thực tế tại Ấn Độ hiện nay cho thấy khi hệ thống y tế bị quá tải thì không thể đảm bảo được việc điều trị có hiệu quả.
Hiện chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, chủ yếu do chủng Ấn Độ gây ra. Đợt dịch này có quy mô và tính phức tạp cao hơn các đợt dịch trước vì nó bùng phát trong bệnh viện, nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, cả ở trong cộng đồng nhiều địa phương và thậm chí các khu công nghiệp lớn.
Đến nay, từ làn sóng thứ 4 này, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên và đang còn rất nhiều bệnh nhân nặng. Đặc điểm diễn biến bệnh do chủng virus mới này còn đang cần nghiên cứu tiếp. Nhưng để hạn chế tỷ lệ tử vong, chúng ta không chỉ lưu tâm đến nhóm bệnh nhân có tuổi, có bệnh nền mà còn phải đảm bảo việc điều trị tốt cho cả nhóm người trẻ khỏe.
Điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị.
Và hơn hết, mỗi người đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuân thủ các chỉ định cách ly, giãn cách khi được yêu cầu để hạn chế số người mắc không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị.
Tối 19/5, Việt Nam ghi nhận thêm 109 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 1.647, dịch lan ra nhiều tỉnh/thành trên cả nước.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị