Phó Chủ tịch TP.HCM nói về việc đóng cửa hàng ăn uống: 'Mỗi người phải hi sinh một chút, shipper xếp hàng đông như vậy khó mà giãn cách'

08/07/2021 23:41:39

Trước câu hỏi của PV liên quan đến vấn đề dừng các hoạt động ăn uống bán mang về, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết thành phố đã rất cân nhắc khi đưa ra quyết định này, nhưng trong bối cảnh hiện tại, cần phải quyết liệt hơn để phòng chống dịch Covid-19.

Tối 8/7, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã chủ trì cuộc họp cung cấp thông tin báo chí liên quan đến việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh UBND TP.HCM ký văn bản về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0h ngày 9/7 trên địa bàn toàn thành phố.

Việc giãn cách này theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, xã phường thị trấn cách ly với xã phường thị trấn, quận huyện cách ly với quận huyện.

Phó Chủ tịch TP.HCM nói về việc đóng cửa hàng ăn uống: 'Mỗi người phải hi sinh một chút, shipper xếp hàng đông như vậy khó mà giãn cách'
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức

Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn TP, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về.

Trước những thắc mắc của PV về việc văn bản nêu cấm ăn uống mang về, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết về ăn uống, trước đây trong Chỉ thị 10 đã cấm ăn uống tại chỗ, còn bây giờ chúng ta cấm luôn ăn uống mang về.

"Những người bán hàng ăn uống, dịch vụ trước đây mình không cho bán ăn uống tại chỗ, giờ mình cấm luôn bán mang về, nghĩa là họ phải đóng cửa", Phó Chủ tịch nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đức cho biết mặc dù mỗi người sẽ có những nhu cầu khác nhau, việc cấm hàng ăn uống bán mang về sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, tuy nhiên đây là một quyết định đã được cân nhắc kỹ càng.

"Cái nhu cầu thì ai cũng có, đang trong giai đoạn khó khăn thì mỗi người hi sinh một chút. Không có quyết định nào là toàn vẹn, lãnh đạo thành phố đã rất cân nhắc. Nếu như bạn hỏi thì tôi xin chia sẻ luôn, như cá nhân tôi việc ăn uống cũng rất cần, nếu như có sẽ rất tiện lợi.

Tuy nhiên thực tế bạn có thể thấy khi các nơi bán hàng như vậy, khi order nhiều thì shipper đứng xếp hàng đợi, khó đảm bảo giãn cách theo quy định. Đây là mong mỏi của thành phố, mỗi loại hình dịch vụ dừng hoạt động là một đắn đo, cân nhắc của lãnh đạo nhưng vì mục tiêu chống dịch. Trên thực tế, thời gian qua thành phố gặp khó, cân nhắc từng bước từng bước, cần sự chung tay của bà con cô bác.

Như bản thân tôi, nếu về nhà vội quá không nấu được thì sẽ lấy một gói mì ăn liền ra ăn. Thực tế trong thời gian gần đây ăn mì ăn liền cũng hơi bị nhiều, đủ loại nào mì, miến, phở, mì khô, mì nước. Ở đây mỗi người hi sinh một chút, trong 2 tuần này để cố gắng quay lại bình thường. Đó không phải là mong muốn của cá nhân tôi mà tất cả đồng bào, không chỉ riêng ở TP.HCM."

Phó Chủ tịch TP.HCM nói về việc đóng cửa hàng ăn uống: 'Mỗi người phải hi sinh một chút, shipper xếp hàng đông như vậy khó mà giãn cách' - 1
Các hoạt động ăn uống bán mang về cũng phải tạm dừng để đảm bảo quy định giãn cách

"Không có 1 quyết định nào toàn vẹn, như bản thân tôi cũng cần nhưng thực tế mỗi người phải hi sinh một chút, việc bán đồ ăn có nhiều shipper đến xếp hàng mua đồ mà đứng đông như vậy thì khó để giãn cách xã hội. Thành phố mong mỏi sự chia sẻ, mỗi loại hình dừng đều có sự cân nhắc, đắn đo..., nhưng thực tế đến bây giờ cần phải có biện pháp quyết liệt, cần sự đồng cảm, chia sẻ của bà con cô bác", ông Dương Anh Đức nói.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ dừng hoạt động xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống nhưng không dừng hoạt động chở hàng, shipper giao hàng bằng xe 2 bánh cũng như xe tải, ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho thành phố, tất nhiên phải tuân thủ các quy định phòng dịch.

TP.HCM sẽ cố gắng tạo điều kiện trong các hoạt động từ thiện vì đây là hoạt động hết sức nhân văn, để tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn..., nhưng theo ông Đức, bất kỳ hoạt động nào cũng phải đảm bảo, tuân thủ các quy định phòng chống dịch để giúp TP vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Các hoạt động phát cơm từ thiện, hỗ trợ người khó khăn nếu tổ chức ngăn nắp, trật tự, đảm bảo quy định không tụ tập quá 2 người thì vẫn được duy trì. Cái mục đích lớn nhất ở thời gian này là giãn cách, có nhiều điều kiện ràng buộc trong thời gian này, thành phố không cấm việc phát cơm từ thiện nhưng phải đảm bảo giãn cách", ông Dương Anh Đức nói.

Theo Văn Tiên (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)