Liên quan đến phố cà phê đường tàu ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, vừa qua đại biểu Quốc hội Lê Bình Nhưỡng đã có phiếu chuyển đơn kiến nghị của các hộ dân liên quan đến việc kinh doanh cà phê đường tàu.
Theo nội dung đơn kiến nghị của tập thể cư dân xóm đường tàu thì hầu hết hộ dân trong khu phố này đều từng là cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt, được cơ quan phân đất sinh sống tại đây hơn 50 năm, trước khi có các quy định liên quan về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Do đó, khi Nghị định số 39/CP ngàv 5/7/1996 của Chính phủ, Luật Đường sắt 2005, Luật Đường sắt 2017, đối chiếu với quy định của luật pháp thì nơi sinh sống của các hộ dân này, hầu hết vi phạm hành lang ATGT đường sắt.
Trả lời về ý kiến của tập thể cư dân xóm đường tàu, Bộ GTVT khẳng định luôn ủng hộ các hộ dân kinh doanh phát triển du lịch và bảo đảm đời sống người dân. Tuy nhiên, việc di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo trật tự an ninh, an toàn cho du khách, an toàn chạy tàu theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với việc khẳng định quan điểm "nói không" với "cà phê đường tàu" vi phạm hành lang ATGT đường sắt, Bộ GTVT cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, từ 8h sáng đã có lực lượng bảo vệ túc trực để ngăn khách ra vào phố cà phê đường tàu (chắn 5 Trần Phú). Rất nhiều khách du lịch đặc biệt là người nước ngoài phải đứng bên ngoài để chụp ảnh lưu niệm.
Anh Nguyễn Văn Hảo - chủ một quán kinh doanh cà phê cho biết: "Chúng tôi cũng nhận thức được sự nguy hiểm của việc tàu đi qua đây nên luôn nhắc nhở khách. Thế nhưng, hơn 1 tháng nay, từ khi Hà Nội khi cấm việc kinh doanh thì lượng khách đã giảm hẳn. Nếu ngày trước trung bình mỗi ngày khoảng vài trăm khách thì giờ chỉ còn lác đác vài người. Một số quán cũng đã phải đóng cửa, tìm kế sinh nhai khác".
Một hộ dân sống bên cạnh chia sẻ: "Chúng tôi sẽ chấp hành quy định về an toàn giao thông đường sắt cũng như ngăn chặn mọi người tụ tập, chụp ảnh, ăn uống ngay trên đường tàu. Tuy nhiên do đã sống ở đây quen nên thật sự mọi người không muốn di dời đến khu tái định cư khác".
Nhiều hộ kinh doanh khác cũng bày tỏ sẽ tự làm rào chắn để bảo vệ khách và có những biện pháp an toàn nếu như được cơ quan chức năng đồng ý.
Bên cạnh đó, các hộ dân đề xuất, trong phạm vi phố "cà phê đường tàu" chỉ 200 mét, ngành đường sắt cho vận hành tàu chạy với tốc độ chỉ 5-10km/h đảm bảo an toàn tàu chạy, an toàn cho người dân, du khách tham quan.
Theo Lương Hạnh (Giadinh.net.vn)