Từ 1.3, Thông tư 52/2017 của Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú chính thức có hiệu lực thi hành. Tại khoản 3, điều 6 quy định: Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi (6 tuổi) thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ trên toa thuốc.
Phiền hà, phạm luật
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 vào sáng 1.3, khi PV hỏi, nhiều người đưa con em tới khám đều cho rằng quy định này chỉ gây thêm phiền phức. Chị Nguyễn Thanh Thanh Hương (39 tuổi, ngụ Bình Tân) thẳng thắn: “Quy định này tôi thấy không cần thiết, khi trên thẻ BHYT của con đã ghi tên mẹ, địa chỉ rồi”.
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng quy định này là vi phạm quyền của trẻ em được nêu trong luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bởi, quyền trẻ em dưới 72 tháng tuổi là được khám, chữa bệnh miễn phí thì chỉ cần có thẻ BHYT. Đồng quan điểm, bác sĩ (BS) Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2, cũng cho rằng quy định này không cần thiết. “Nhà nước miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, do vậy khi trẻ đi khám bệnh thì chỉ cần giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh hay thẻ BHYT là đủ”, BS Khanh nói.
BS Cao Xuân Minh, Giám đốc Phòng khám đa khoa Xuân Minh, thẳng thắn: “Tôi thấy chỉ cần thông tin tên tuổi bệnh nhân, địa chỉ, điện thoại liên lạc là được. Vì toa thuốc là quyết định của thầy thuốc chứ không phải của cha mẹ. Việc ghi thêm số CMND trên toa thuốc liệu có an toàn hơn cho đứa trẻ không?”. BS Minh cũng đặt vấn đề: trong trường hợp cấp thiết mà cha mẹ, người giám hộ đều đi vắng, người hàng xóm đưa đứa trẻ đi khám bệnh thì có được BS khám, kê toa hay không?
Ngành y tế cũng rối
Theo một lãnh đạo BV Nhi đồng 2, lâu nay BV áp dụng toa thuốc trẻ em đã có địa chỉ, số điện thoại bố mẹ để cần thông tin gì thì điện thoại truy lại, giờ thêm số CMND nữa là không cần thiết. “Thông tin trên toa thuốc thì tên, tuổi, cân nặng, chẩn đoán là quan trọng nhất, sau đó là địa chỉ và điện thoại liên lạc chứ có hay không số CMND đâu quan trọng”, vị này nói.
Hiện BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 đang tập huấn cho nhân viên bổ sung phần mềm vi tính để thông tin toa thuốc bệnh nhân dưới 72 tháng tuổi. Trong những ngày đầu tháng 3, BV chưa thực hiện theo thông tư, nếu thân nhân bệnh nhi đưa các bé đi khám quên mang CMND hoặc không nhớ số CMND vẫn được giải quyết cho toa thuốc, vì sức khỏe bệnh nhi là quan trọng nhất.
Theo tìm hiểu của PV, từ 1.3, các BV có khoa nhi và BV nhi trên địa bàn TP đã kiến nghị vấn đề trên tới Sở Y tế TP, đồng thời xin ý kiến cách tháo gỡ trong trường hợp cha mẹ, người giám hộ quên mang và không nhớ số CMND. Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ tổng hợp ý kiến gửi Bộ Y tế xem xét.
Vừa làm vừa... điều chỉnh !
Trả lời PV Thanh Niên, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết đây là quy định mới bổ sung trong kê đơn thuốc, trên cơ sở ý kiến của thành viên ban soạn thảo từ một số BV. “Trẻ dưới 72 tháng tuổi thì việc diễn đạt về tình trạng sức khỏe có thể không đầy đủ; trẻ chưa thể tự dùng thuốc như kê đơn hay tư vấn của bác sĩ. Vì vậy, việc yêu cầu CMND, số căn cước của người giám hộ là để người đưa trẻ đi khám cần chịu trách nhiệm về thông tin bệnh nhi. Quy định ghi thêm số căn cước sẽ khiến các BS có thể mất thêm công sức nhưng cũng là đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhi. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện sẽ tiếp nhận ý kiến phản ánh để điều chỉnh phù hợp”, ông Thái nói.
Liên Châu
Nên quy định ghi ngay trên thẻ BHYT
Theo TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM, quy định của trên thì BV thực hiện, nhưng chỉ mất thời gian yêu cầu xuất trình CMND, hoặc hỏi số để ghi. “Nếu quy định này là bắt buộc, nên quy định trên thẻ BHYT trẻ em có số CMND của cha mẹ thì sẽ đơn giản hơn”, TS-BS Trương Quang Định nói.
Theo Duy Tính (Thanh Niên Online)