Trong số các “đào” mà PV tiếp xúc, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Họ chia sẻ về hoàn cảnh rất khó khăn, sự xô đẩy biến họ thành “đồ” mua vui và tiếng than thở của họ giống kiếp “ve sầu” kêu mãi.
Qua lời tâm sự của K.O. (17 tuổi), cô sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em. Ba mẹ đều lớn tuổi, ở quê chỉ làm nông nghiệp quanh năm mà vẫn sống bữa đói, bữa no thất thường. Vì hoàn cảnh nghèo, chị em O. lớn lên mỗi người tìm một miền đất mới, riêng O. vừa nghỉ học lớp 9 liền theo bạn bè phiêu bạt về TP. HCM làm nhân viên phục vụ quán cà phê. Qua một người khách dẫn mối, O. bắt xe đò về thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) làm nghề “đào hát”.
Những “đào hát” phải kiếm tiền đủ cách |
Lý giải việc chọn Đồng Nai làm nơi sinh sống, O. thỏ thẻ nói: “Làm việc ở đây nhẹ nhàng, ít xô bồ hơn TP. HCM. Hơn nữa, đây là điểm ăn chơi kín đáo, chỉ những người sành chơi mới biết ngầm với nhau. Điều này, giúp em không lo ngại khi gặp người dưới quê để khỏi ảnh hưởng tới gia đình. Hơn nữa, với tuổi của em thì đi làm công nhân đâu có đủ, do vậy em đi làm phục vụ “đào hát” vừa nhàn hạ, vừa có nhiều tiền. Ở đây cũng có rất nhiều người hoàn cảnh như em, chúng em đồng cảm với nhau nên không xảy ra chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới”.
Hoàn cảnh của N.Y. (29 tuổi) cũng đáng thương không kém O.. Y. vốn là cô gái miền Tây trẻ đẹp. Khi đến tuổi cập kê, Y. đã lấy một người cùng quê. Đến lúc Y. sinh con gái đầu lòng thì chồng thất nghiệp rồi chán đời lao vào rượu chè bài bạc không quan tâm đến vợ con. Sau 3 năm chung sống, Y. quyết định ly hôn và nhận phần nuôi con. Để quên nỗi buồn đổ vỡ hôn nhân, Y. gửi con gái cho bố mẹ đẻ chăm sóc về Đồng Nai làm công nhân. Trong một lần tình cờ đi liên hoan với bạn bè ở quán nhậu có sân khấu, cô hát trổ tài văn nghệ. Nhờ giọng hát ngọt ngào đậm chất miền sông nước, Y. khiến Q. – một vị khách siêu lòng. Sau đó, Q. tới làm quen rồi liên tục tìm đến phòng trọ Y. thăm hỏi. Trải qua 3 tháng tìm hiểu, Q. đưa Y. về Long Khánh chung sống như vợ chồng nhưng không đăng kí kết hôn (do anh ta có vợ ở ngoài quê miền Bắc). Cuộc sống hàng ngày của Y. chỉ ở nhà cơm nước, còn chi phí sinh hoạt do Q. lo tất (Q. nói là làm nghề thầu cầu đường).
Thế nhưng, mới đây người “chồng hờ” bị Công an bắt đi tù vì tội tàng trữ chất ma túy, Y. chết lặng khi biết mình bị lừa dối. Trong lúc chán đời, lại thất tình, Y. tìm mối gia nhập “làng đào hát” mua vui. Cứ tưởng những bất hạnh đến rồi sẽ qua, nhưng gần đây Y. lại nhận tin con gái ở quê lâm trọng bệnh. Bây giờ, Y. chỉ còn biết cắm đầu làm việc để mong sao có tiền trị bệnh cho con. Y. thú nhận cay đắng: “Em làm “đào” thì làm vậy, nhưng hễ có khách gợi ý “đi chơi” em sẵn sàng. Giờ không làm thế kiếm tiền biết khi nào con em mới khỏi bệnh. Hôm trước, má em lại gọi điện thoại nói cần tới 50 triệu đồng để phục vụ cho quá trình điều trị”.
Theo Y. nói, hiện cô cũng mới vay nợ của một người chuyên cho “đào” vay nợ với số tiền 30 triệu đồng gửi về quê. Một thực trạng ít ai biết đến về nghề cho vay nợ ở thị xã Long Khánh rất phổ biến, tuy nhiên mức lời thì cắt cổ con nợ song vì hoàn cảnh nhiều “đào” vẫn cố chịu.
Bộ phận chủ nợ trên được nhiều người gọi chung là “cò nợ”. “Đào hát” H.L. (phục vụ tại quán T.T.) cho hay, hiện cô cũng đang nợ bà “Y. cò” 20 triệu đồng tiền vay nóng gửi về quê cho mẹ trị bệnh hơn 2 tháng nay vẫn chưa trả xong. Nói đoạn, L. cũng kể thêm các trường hợp “đào” khác thành con nợ khi vay tiền đi tu sửa nhan sắc như A.T. (26 tuổi), H.H. (27 tuổi) và T.H. (30 tuổi)… Ngoài ra, nhiều “đào” vay tiền chỉ để phục vụ đi trị bệnh dạ dày, bệnh lây qua đường tình dục (những “đào” đi bán dâm).
Những “cò nợ” trên xác “đào”
Qua lời giới thiệu của các “đào” về dịch vụ cho vay tiền nóng, PV đã tìm hiểu sâu về loại hình “kinh doanh” này. Theo đó, đây là hình thức mà các ông chủ, bà chủ là dân có máu mặt, chuyên tổ chức tiếp cận “đào hát” gợi ý cho vay tiền nặng lãi. Với hình thức cứ 1 triệu đồng thu lãi 10.000 đồng/ngày. Và trung bình mỗi lần cho “đào” vay thấp nhất là số tiền 5 triệu đồng. Tính theo mức cho vay chung, người vay sẽ trả tiền lãi cộng tiền góp trong vòng 24 ngày, mỗi ngày 250.000 đồng (chu kì vay chỉ 24 ngày phải trả góp đủ). Như vậy, chỉ cần cho vay 5 triệu/người/24 ngày, các chủ nợ đã có 1 triệu tiền lời khi chưa đầy tháng. Các chủ nợ sẽ cho người đến thu tiền trả sau mỗi ngày kết thúc giờ làm việc của “đào” tại quán karaoke và quán nhậu.
Được biết, ngoài dân xã hội chuyên cho vay nặng lãi, cũng có một bộ phận “cò nợ” xuất thân từ “cò đào”. Mỗi “cò nợ” có vốn thấp vài trăm triệu đồng hoặc nhiều hơn để xoay vòng đồng tiền. Tính trung bình, một “cò nợ” mỗi tháng chỉ ăn rồi ngồi chơi cho vay nợ cũng thu về vài chục triệu đồng. Với mức giá “lãi cắt cổ” theo quy định chung, nên các “đào” không cần phải chọn lựa “cò nợ” mà vay ai cũng được.
Đối với “đào hát” mới đi làm, “cò nợ” chủ động tìm hiểu hoàn cảnh, nếu thiếu tiền nhà, tiền ăn “cò nợ” sẵn sàng mang tiền tới gạ gẫm cho vay. Còn một số đào không có phương tiện đi làm, “cò nợ” cho vay tiền mua xe hoặc thuê xe. Trung bình mỗi ngày cho thuê xe, “cò nợ” sẽ thu của “đào hát” giá 100 ngàn/xe SH, còn các loại xe khác như Vision, Air Blade, thì có giá dao động từ 50 – 80 ngàn/ngày (dù “đào” không đi làm vẫn tính tiền).
Trong trường hợp, “đào hát” vay tiền mà không đi làm thì lãi mẹ dồn lãi con, gộp lại khoảng 2 lần tiền lãi đã hiển nhiên bằng số tiền gốc. Và “cò nợ” tiếp tục gộp tiền lời cộng dồn thành một khoản tiền gốc mới buộc con nợ phải tính lãi.
Theo T.T. (“đào” phục vụ tại quán nhậu Đ.X.) cho biết: “Cô vay của một “cò nợ” số tiền 10 triệu đồng đi nâng mũi. Do quá trình làm đẹp về phải kiêng cữ nên không đi làm được. Mỗi ngày T. phải trả cho bà chủ 10.000 đồng tiền lời và bắt đầu đi làm bà chủ sẽ thu tiền lời cộng tiền trả góp là 500 ngàn/ngày trong vòng 24 ngày. Nếu hết 24 ngày mà tiền lời góp trả không đủ, “cò” nợ lại tính tiền còn lại với mức lãi 20 % số tiền và trả tiếp trong vòng 24 ngày. Nếu tính cụ thể, số tiền trong vòng 24 ngày T. phải trả góp 12 triệu đồng khi vay 10 triệu đồng. Nhưng nếu T. không trả tiền góp, chủ nợ sẽ nhân số tiền 250 ngàn đồng x 24 ngày để ra số tiền 6.000.000 đồng. Số tiền 6.000.000 đồng sẽ được bà chủ cộng dồn với tiền gốc ban đầu để tính lãi tương tự.
Dù “cò nợ” làm ăn khấm khá nhờ dịch vụ cho “đào hát” vay tiền. Tuy nhiên, số tiền “đào hát” thu được từ “cuộc vui” của khách cũng là một phần tiền của “cò nợ” và “cò đào”. Theo tiết lộ của một đàn anh trong lĩnh vực “cò nợ”, hơn một nửa dân chơi tung tiền vào chốn “đào hát” là những tay chơi xã hội, chuyên cho vay nợ, đánh bạc. Những thành phần này đem tiền chi cho đối tác, đàn em, bạn bè ăn chơi rồi bo cho “đào hát”. “Đào hát” có tiền lại mang về trả hoa hồng cho “cò đào” và tiền lời cho “cò nợ”. Những đồng tiền này được hóa giá trị trong các phi vụ làm ăn mới như đá gà, cá độ bóng đá, cho vay đầu tư giải trí… Giữa “cò đào”, “cò nợ”, “đào hát” - quán nhậu, quán karaoke – khách luôn có chung đồng tiền để xoay vòng theo quy luật “vườn -ao -chuồng”.
Trao đổi với PV về vấn đề an ninh – trật tự trên địa bàn, trong đó có những thông tin liên quan đến hoạt động các quán nhậu, quán karaoke, Thượng tá Phan Văn Cầm, Trưởng Công an thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Đối với các điểm kinh doanh karaoke, phía Công an sẽ kiểm tra về mặt an ninh trật tự đúng thẩm quyền, nếu xảy ra xô xát đánh nhau gây ảnh hưởng tới người dân sẽ bị xử lý nghiêm minh. Còn về hoạt động trong phòng hát như thế nào thì không thuộc thẩm quyền Công an. Riêng những nhân viên phục vụ, chưa đủ tuổi lao động thì trách nhiệm thuộc về ngành lao động thương binh xã hội”. |