Theo Thông tư mới vừa được Bộ Tài chính ban hành, kể từ ngày 1/12, các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 5 (QL5) sẽ phải nộp mức phí từ 30.000 đến 160.000 đồng/lượt. So với trước, mức thu này tăng gấp từ 2-3 lần đôi. Tuy nhiên, Thông tư mới này còn thông báo, mức phí trên chỉ áp dụng đến ngày 31/12, sau đó phí lưu thông tại QL5 tiếp tục điều chỉnh tăng lên từ 45.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt xe.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, số tiền thu được từ thời điểm QL5 tăng phí sẽ được tính chi phí hoàn vốn cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, bắt đầu từ năm 2016, việc nâng cấp QL5 theo hình thức BOT được giao cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thực hiện. Theo đó, nhà đầu tư VIDIFI sẽ tiếp quản và chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến QL5 bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí.
Lý giải về việc chỉ trong vòng 3 tháng nhưng phí trên QL5 tăng tới 2 lần với tỷ lệ tăng gần gấp 3 lần mức phí trước đó, đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI cho rằng, mức thu phí này nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Theo đại diện VIDIFI, Công ty được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT, sau khi dự án hoàn thành VIDIFI được quyền thu phí cả trên QL5 đến hết thời gian hoàn vốn theo theo hợp đồng.
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp vận tải hoạt động tại Hải Phòng thường xuyên đi lại trên QL5; từ khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông xe, tuy nhiên mức phí tại đây cao gấp 2,5 lần so với việc lưu thông trên QL5, nên đa phần DN vận tải vẫn chọn QL5 để lưu thông. “Việc tăng phí QL5 hiện nay có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, điều này xảy ra vào dịp cuối năm nên rất có thể giá cước vận tải cũng vì thế mà tăng theo”, ông Nguyễn Văn Thanh, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam lo ngại.
Theo Anh Trọng (Tiền Phong)