Suốt đêm 17, rạng sáng 18/6, đoàn xe chở cán bộ, đồng đội và người thân của thượng tá phi công Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 932) đến cầu cảng Hải đội 2 (đóng tại Cửa Lò, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) để chuẩn bị lễ đón.
Trong đêm, các chiến sĩ quân y chuyển nhiều đồ khâm liệm xuống cầu cảng. Từ trong cầu cảng ra ngoài cổng, hàng chục các chiến sĩ phòng không không quân và bộ đội biên phòng lập rào chắn bảo vệ.
Ca nô cứu hộ tiếp cận tàu BP 06.19.01 để chuyển thi thể phi công Trần Quang Khải lên bờ. Ảnh: Nguyễn Dương. |
3h30 sáng, chiếc tàu BP.06.19.01 chở thi thể anh Khải phải dừng, neo đậu ở đảo Hòn Ngư (Cửa Lò). Lập tức, nhiều chiếc ca nô được Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An điều động ra tận nơi dẫn đường cho tàu luồn lách qua sông Cửa Hội vào cầu cảng.
4h15, chiếc tàu biên phòng chở theo thi thể phi công Khải được ca nô cứu hộ dẫn vào. Do thủy triều xuống thấp nên tàu của Bộ chỉ huy Biên phòng Nghệ An không thể cập cảng. Thi thể phi công Khải buộc phải di chuyển vào bằng ca nô. Trên bờ, hàng trăm chiến sĩ, đồng đội, người thân mắt hướng ra biển dõi theo.
Hơn 5h sáng, chiếc ca nô cứu hộ tiếp cận được tàu BP.06.19.01 và chuyển thi thể anh Khải lên bờ an toàn. Toàn bộ vật dụng, tư trang của người phi công dày dạn kinh nghiệm cũng được đồng đội mang về.
Thi thể anh Khải được chuyển lên xe cứu thương quân đội để đưa về Nhà tang lễ Bệnh viện Quân khu 4. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Thủ tục làm lễ được tiến hành khẩn trương. Nhiều đồng đội đứng nhìn thi thể thượng tá phi công Khải bọc trong tấm vải trắng, mắt rơm rớm. Chốc chốc, có tiếng khóc khe khẽ bật ra... Bên ngoài cầu cảng, nhiều người dân đi qua cũng nán lại để đưa tiễn.
Đứng thẫn thờ phía ngoài cổng, bà Nguyễn Thị Lê (56 tuổi, xã Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) chia sẻ, nhiều ngày qua, bà và gia đình luôn theo dõi thông tin về phi công Khải và mong chờ một phép màu xảy ra.
"Cả đêm qua, tôi và bà con đã tập trung ra cầu cảng Hải đội 2 để ngóng chờ tàu đưa thi thể phi công Khải trở về. Mong anh hãy yên nghỉ!" - bà Lê nghẹn ngào nói.
Quân trang, vật dụng của phi công Khải mang theo khi thực thi nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Ảnh: Dương Hòa. |
Sau hơn 10 phút, chiếc xe cứu thương cùng đoàn xe của quân đội, Quân chủng phòng không không quân, Bộ chỉ huy biên phòng đã đưa thi thể phi công Khải về Nhà tang lễ Bệnh viện Quân khu 4.
"Chúng tôi sẽ chờ lệnh của cấp trên để đưa thi thể phi công Trần Quang Khải về nhà tang lễ của Bộ quốc phòng làm lễ truy điệu và an táng" - đại tá Dương Minh Hiền, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho Zing.vn biết.
Trước đó, trao đổi qua điện thoại, ngư dân Đậu Thành Kính (50 tuổi, trú xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An) cho hay, chiều 17/6 tàu cá mang số hiệu NA 90554 TS của ông phát hiện một thi thể có dù quấn quanh cùng giày dép, tư trang. Đến 20h40 thì tàu bàn giao cho Hải đội 2.
Khoảng 20h50, tàu biên phòng của Hải đội 2 thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Nghệ An và lực lượng Biên phòng của đảo Mắt có mặt và xác nhận đó là phi công thượng tá Trần Quang Khải.
Sáng 14/6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 cất cánh từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ít phút sau, lúc 7h29, tín hiệu từ chiếc tiêm kích biến mất trên vùng biển Nghệ An, gần khu vực đảo Mắt. Hai phi công trên chiếc Su-30MK2 mất tích đều dày dạn kinh nghiệm, gồm thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) Phó phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 923. Ngày 15/6, phi công, thiếu tá Nguyễn Hữu Cường đã được tàu ngư dân ở Hà Tĩnh cứu và được tàu của lực lượng chức năng tiếp cận, đưa phi công Cường vào bờ. Trưa 16/6, máy bay CASA 212 mang số hiệu 8983 trong quá trình tìm kiếm tiêm kích Su-30MK2 gặp nạn đột ngột mất liên lạc. Trên máy bay có 6 sĩ quan và 3 quân nhân chuyên nghiệp. Vị trí máy bay rơi tạm xác định ở phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ, cách 3 hải lý. Chiều tối cùng ngày, lực lượng tại thực địa đã vớt được một số mảnh vỡ của máy bay. |
Theo Phạm Hòa - Nguyễn Dương (Zing.vn)