Phi công Anh mắc Covid-19 được chụp CT phổi lần thứ 2

18/05/2020 10:46:46

Bác sĩ dự kiến cho "bệnh nhân 91" cùng các máy thở và ECMO đi chụp phổi, trong điều kiện vừa phải đảm bảo an toàn bệnh nhân vừa ngăn lây nhiễm.

Trao đổi với Zing sáng 18/5, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết trong hôm nay, bệnh viện sẽ tiến hành làm CT Scan, xét nghiệm để đánh giá chức năng của phổi, tim mạch và các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, tiếp tục các xét nghiệm tầm soát vi khuẩn bội nhiễm.

Sau khi làm lại các xét nghiệm, các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn chuyên môn với Bộ Y tế để xem xét tình hình, quyết định hướng điều trị tiếp theo.

Bệnh nhân sẽ được tạm ngưng máy lọc máu. Các bác sĩ sẽ đưa nam phi công cùng hệ thống máy thở, ECMO đến phòng CT Scan để chụp chiếu phổi.

Hiện chưa rõ sẽ di chuyển bệnh nhân đến phòng CT Scan vào lúc nào. Theo các bác sĩ, việc CT scan cho bệnh nhân này khá vất vả. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết đây là lần thứ 2 bệnh nhân được tiến hành chụp CT Scan. Lần đầu tiên, các bác sĩ phải đợi đến đêm muộn, khi bệnh viện vắng người mới chuyển bệnh nhân cùng hệ thống máy móc khu chụp CT Scan.

CT Scan, còn gọi chụp cắt lớp vi tính, là dùng nhiều tia X quét lên một khu vực của cơ thể, sau đó xử lý bằng máy vi tính để cho ra hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều của bộ phận cần chụp. Phương pháp này có độ tương phản cao, nhận diện tổn thương rõ, chụp được nhiều góc, nhiều lát cắt.

Thời gian chụp cắt lớp vi tính tùy thuộc từng bệnh nhân, từng bộ phận cần chụp. Đa số thường kéo dài 3-5 phút, một số trường hợp lâu hơn, lên tới 15-45 phút.

Hiện bệnh nhân đã 43 ngày phải can thiệp ECMO.

Phi công Anh mắc Covid-19 được chụp CT phổi lần thứ 2
Ảnh minh họa

Sáng 18/5 bệnh nhân nằm yên, sử dụng thuốc an thần, thỉnh thoảng kích thích nhẹ. Siêu âm phổi phải đông đặc thùy giữa dưới, ít dịch màng phổi, không hình ảnh tràn khí, phổi co nhỏ. Phổi trái đông đặc vùng sau dưới, ít dịch màng phổi.

Bệnh nhân xét nghiệm âm tính liên tục hơn 10 ngày nay, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát ở mức "tạm ổn".

Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất hiện nay, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi) và không bệnh nền. Phổi đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại.

Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bộ Y tế đã mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân.

Bệnh nhân là phi công hãng Vietnam Airlines, ngụ ở TP HCM, từng tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố.

HP (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật