Ngoài bình chữa cháy, ô tô trên 10 chỗ còn bắt buộc phải có găng tay chữa cháy, khẩu trang lọc độc...
Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về một số điểm cụ thể quy định trong Thông tư 57 do Bộ này ban hành, vừa có hiệu lực từ 6/1.
|
Ô tô trên 10 chỗ không găng tay chữa chạy bị phạt tới 500 ngàn đồng |
Thông tư 57/2015 của Bộ Công an quy định ô tô từ bốn chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình chữa cháy. Ngoài ra, theo Thông tư này thì ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên còn phải trang bị nhiều trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy khác.
Cụ thể, theo Phụ lục 1 quy định về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, ban hành kèm theo Thông tư 57/2015, ô tô từ 10 chỗ ngồi đến 15 chỗ ngồi, ngoài việc phải trang bị bình chữa cháy theo quy định thì còn phải trang bị một bộ dụng cụ phá dỡ chuyên dùng (kìm cộng lực, búa, xà beng); một chiếc đèn pin chuyên dụng; một đôi găng tay chữa cháy; một khẩu trang lọc độc.
Số găng tay chữa cháy và khẩu trang lọc độc được yêu cầu gấp đôi đối với ô tô từ 16 chỗ ngồi trở lên.
|
Thông tư 57 quy định việc lắp đặt các trang thiết bị chữa cháy trên các loại phương tiện |
Căn cứ vào Nghị định 167/2013 sẽ tiến hành phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ theo quy định; không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.
Trả lời Báo Giao thông về việc liệu quy định trang bị các dụng cụ khác như găng tay chữa cháy, khẩu trang lọc độc… có thực sự hợp lý hay không, Đại tá Đào Hữu Thắng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) khẳng định việc đó là cần thiết. Thậm chí, theo Đại tá Thắng, nếu ô tô 4 chỗ mà có điều kiện trang bị được những thứ đó thì cũng rất tốt.
“Cứ hình dung khi chúng ta lao động mà có gang tay bảo hộ lao động thì chắc chắn sẽ yên tâm hơn là không có gang tay. Đối với khẩu trang cũng vậy. Tất cả những thứ đó đều phục vụ tốt cho việc xử lý khi có cháy nổ xảy ra, bởi tuỳ vào từng trường hợp, khi tiếp cận càng gần đám cháy thì việc chữa cháy càng hiệu quả hơn. Trong những trường hợp cháy có nhiều khói thì có khẩu trang cũng rất tốt” – Đại tá Thắng phân tích và một lần nữa khẳng định, tất cả những quy định này được vận dụng kiến thức và quy định của một số nước đã nghiên cứu và áp dụng.
>> Hôi nách không được hành nghề, lái xe lo sốt vó
Theo Lan Ngọc (Báo Giao Thông)