Phạt ngay 1-3 triệu đồng nếu phát hiện quán ăn dùng nước 'bẩn' rửa bát đũa, dụng cụ

07/10/2018 19:47:00

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế nêu rõ, tới đây, khi đi kiểm tra các cửa hàng thức ăn đường phố, chỉ cần nhìn thấy họ rửa dụng cụ chế biến thực phẩm, bát đũa bằng chậu nước không sạch, rửa đi rửa lại nhiều lần… là có thể xử phạt ngay.

Phạt ngay 1-3 triệu đồng nếu phát hiện quán ăn dùng nước 'bẩn' rửa bát đũa, dụng cụ
Nhiều quán ăn đường phố thường sử dụng 1, 2 xô nước để rửa bát đũa, dụng cụ nhiều lần

Cung cấp thông tin đến báo chí, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP cho biết, theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP) có hiệu lực từ 20-10 tới đây, các hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ bị xử phạt nặng hơn gần gấp đôi so với quy định hiện nay.

Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; Có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật; Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn; Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn hoặc vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống... Ngoài ra, người trực tiếp chế biến thức ăn nếu để móng tay dài, đeo đồng hồ, nhẫn khi chế biến thức ăn, khạc nhổ... cũng sẽ bị xử phạt hành chính.

Trước băn khoăn cho rằng mức phạt 500.000-1 triệu đồng đối với vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố là quá nặng, khó xử phạt, ông Trần Văn Châu cho biết, so với mức xử phạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm (cao nhất tới 10 triệu đồng/vi phạm) thì mức phạt 500.000-1 triệu đồng đối với kinh doanh thức ăn đường phố là vừa phải, đủ mức răn đe.

Riêng về việc một số quy định cụ thể trong Nghị định 115 nói chung, quy định về thức ăn đường phố nói riêng, được cho là khó xử phạt vi phạm, ông Châu cho biết, có những hành vi mà khi kiểm tra nếu phát hiện, cơ quan chức năng có thể xử phạt ngay, như: bán thức ăn không được che đậy; dùng nước rửa cáu bẩn, rửa đi rửa lại nhiều lần bát đũa, dụng cụ chế biến thức ăn, bốc thức ăn...

“Đúng là cũng có những hành vi chưa xử phạt được ngay hoặc khó xử phạt nhưng không có nghĩa là bỏ ngỏ để người bán hàng vi phạm.

Theo tôi, trước mắt phải tuyên truyền cho người bán biết được các vi phạm sẽ bị xử phạt để dần dần họ khắc phục, thay đổi hành vi. Không có luật nào, nghị định nào vừa ra đời là có thể “răm rắp” thực hiện ngay được mà cần thời gian, cần sự giám sát nghiêm khắc của cơ quan chức năng” – ông Châu nói.

Theo Duy Tiến (An Ninh Thủ Đô)