Nhiều người dân chưa biết sò đo cam là cây độc |
Riêng anh Phạm Quốc Tú (21 tuổi), ngụ tại tổ dân phố 6 nhận xét nước trong hoa sò đo cam rất ngứa: “Hồi tôi học cấp 3, trường tôi trồng cây này. Thấy hoa đẹp, bọn tôi nhặt hoa ném nhau. Ai ngờ hoa bắn nước đụng đâu ngứa đó, phải rửa xà bông, bôi thuốc mới hết ngứa”.
Ở đây, nhiều hộ dân vẫn mơ hồ chuyện sò đo cam là loài cây ngoại lai gây ảnh hưởng đến sức khỏe. “Mấy năm trước cứ đến mùa mưa hoa nở là công nhân công ty trồng cây xanh đến cắt tỉa hoa. Năm nay hoa nở rộ, chưa thấy ai đến. Tôi chỉ sợ lũ trẻ bẻ hoa chơi, bị hoa bắn nước vào người thì nguy! ”- anh Tú lo lắng.
Chờ kinh phí!
Ở tỉnh Đắk Nông, cây sò đo cam được trồng dọc Quốc lộ 14, các cơ quan, công sở, trường học, thân dễ gãy vào mùa mưa. “Tôi thấy cây này phát triển nhanh, nhưng dễ gãy đổ. Sau mỗi trận mưa to gió lớn, cây gãy la liệt, cản trở giao thông. Gãy chỗ nào, Công ty cây xanh trồng lại sò đo cam chỗ đó. Không hiểu họ có biết Bộ TN&MT đã khuyến cáo không nên trồng cây này chưa?”, một người dân bức xúc nói.
Lý giải việc tham mưu từ năm 2011 cho UBND thị xã Gia Nghĩa trồng cây sò đo cam, ông Lê Văn Bi, phó phòng Quản lí đô thị kể: Hồi đó không ai biết cây này độc hại. Trồng được 2 năm chúng tôi mới nhận được cảnh báo qua Thông tư số 27 của liên Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT. Sau đó, chúng tôi đã gửi công văn đến UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị trồng cây thay thế.
Sò đo cam còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, tulip châu Phi... xuất xứ từ châu Phi. Cây cao từ 12 - 15m, phân cành nhánh ở đỉnh, tán lá rậm xanh. Cây ra hoa từ tháng 11 đến tháng 1 dương lịch, hoa màu vàng cam, phát tán hạt qua gió, mọc nhanh, có khả năng loại bỏ các cây khác trong cùng phạm vi phân bố, xâm chiếm các vùng đất hoang hóa, vùng rừng đã bị tác động, làm giảm đa dạng sinh học ... do vậy Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã đưa cây này vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới. |