2.745 hồ sơ thương binh giả bị phanh phui, thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỉ đồng, 24 đối tượng bị xử lý hình sự - "chiến công" của hai lão nông.
'Bao Công làng' Nguyễn Công Uẩn bức xúc việc "có tiền là trở thành thương binh" mà 5 năm trời vác đơn đi tố cáo - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Cách đây 7 năm, bức xúc khi thấy nhiều đối tượng tại địa phương “cò mồi” làm hồ sơ thương binh giả, ông Nguyễn Công Uẩn (80 tuổi, thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái) và ông Nguyễn Tiến Lãng (79 tuổi, phố Tam Á, xã Gia Đông), cùng trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh quyết định tố cáo đến Bộ Lao động thương binh và xã hội.
Cùng tố sai phạm
Ông Nguyễn Công Uẩn chính là "vị Bao Công làng" trong câu chuyện báo Tuổi Trẻ đã đăng tháng 8-2010. Ngày đó ông đã tố cáo nhiều vụ bán đất sai thẩm quyền, thu chi sai nguyên tắc.
Cùng năm, ông Uẩn cùng người bạn Nguyễn Tiến Lãng tiếp tục tố cáo một vụ việc sai phạm nữa ở địa phương.
Ông kể: “Bức xúc quá, một huyện Thuận Thành mà có 2-3 ổ 'cò' bán hồ sơ làm thương binh giả. Họ làm công khai, ai có quyền, có tiền mới mua được. Trách nhiệm của công dân chúng tôi là phải báo cáo để Nhà nước kịp thời ngăn chặn”.
Ông Lãng cũng không chịu nổi: “Khi đó đập lúa bắn vào mắt cũng thương binh, tuốt lúa cụt ngón tay cũng thương binh, không đi bộ đội cũng thương binh”.
Từ đơn thư tố cáo của hai lão nông, đến năm 2015, một đường dây làm giả 2.745 hồ sơ thương binh tại tỉnh Bắc Ninh và Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã bị "khui" ra, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng, 24 người bị xử lý hình sự.
Ít người biết trong thời gian đó, hai ông già đã gặp phải bao nhiêu khó khăn, thậm chí họ còn bị đánh đập, trả thù, phá hoại tài sản.
Ông Nguyễn Tiến Lãng bị đánh, bị phá vườn vì tố cáo tiêu cực - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Bị đe dọa, bị vợ con từ chối nuôi cơm
Ông Lãng kể, năm 2013-2014 ông bị một số đối tượng chặn đường đánh đập, ném đá, thậm chí còn chặt hết vườn cây nhà ông gồm 100 cây bưởi Diễn và 100 cây đu đủ. Ước tính thiệt hại lúc đó là 30 triệu đồng.
Vườn nhãn của lão nông Nguyễn Công Uẩn cũng bị người ta chặt phá hết.
Tình hình căng đến nỗi tháng 4-2015, Bộ LĐ-TB&XH đã có đơn đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh có phương án bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của hai ông.
Suốt thời gian vác đơn đi tố cáo, hai lão nông già yếu còn bị vợ con từ chối nuôi cơm. Ông Nguyễn Công Uẩn không có một đồng lương hưu, bị vợ “bỏ đói”, suốt mấy năm trời chỉ ăn cơm nắm với muối vừng.
Thương bạn, ông Lãng hay gọi ông Uẩn đến nhà cùng ăn, cùng ngủ và cùng bàn công việc. Biết ông Uẩn không có tiền, mỗi lần đi nộp đơn ông Lãng đều trả tiền tàu xe, nuôi luôn bạn vì “chúng ta là một”.
“Vợ chồng ông Lãng giận nhau vì đơn thư, bà nhà tôi cũng không bằng lòng. Con cái thấy tôi đi khiếu kiện coi tôi như tội phạm. Thực tình chúng nó thương mình thôi, nhưng càng như thế tôi càng thận trọng, không bỏ cuộc. Bỏ cuộc là họ xuyên tạc mình tố cáo láo, ảnh hưởng đến con cái”, ông Uẩn chia sẻ.
Có công, chờ... khen thưởng
Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, hai lão nông không vác đơn đi tố cáo nữa. Họ vác 4 đơn thư gửi lãnh đạo Nhà nước đề nghị xem xét… khen thưởng cho chiến công “khui” ra đường dây làm giả hồ sơ thương binh này.
Trong đơn đề nghị, hai ông ghi rõ căn cứ chương IV, nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ quy định khen thưởng người có thành tích tố cáo tham nhũng.
Ông Lãng chia sẻ: “Chúng tôi làm như thế này chết không sợ, nói gì đến khen thưởng. Nhưng chúng tôi chỉ mong làm cho công bằng xã hội, mong cho Đảng, Nhà nước, Trung ương biết đến những phần tử xấu để thanh trừ, để lấy lòng tin của dân và Nhà nước không phải chi những khoản tiền vô lý”.
Còn ông Uẩn ngậm ngùi, việc đề nghị khen thưởng không thể bù đắp được thời gian, công sức họ bỏ ra khi đi tố cáo, nhưng làm là để động viên nhiều người khác dám đứng lên tố cáo khi thấy có sai phạm.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã 2 lần gửi công văn đến UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị hiệp y xem xét, khen thưởng đối với hai công dân Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn theo Luật thi đua, khen thưởng, nhưng từ năm 2015 đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Hai ông tiếp tục vác đơn đi đề nghị khen thưởng để mong động viên nhiều người khác đứng lên tố cáo sai phạm - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Khi sự việc được phóng viên Tuổi Trẻ đem đến hỏi UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tiến Nhường, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, lại từ chối gặp và cho biết qua điện thoại là đã giao Sở Nội vụ tỉnh xử lý vụ việc.
Trong khi đó, ông Trần Trung Chính, phó giám đốc Sở Nội vụ, trưởng Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Bắc Ninh cho hay chưa nhận được bất kỳ công văn nào của Bộ LĐ-TB&XH từ UBND tỉnh chuyển tới.
Ông Chính sau đó cho biết sáng 11-5 sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan như Công an tỉnh, UBND huyện Thuận Thành, xem xét về chế độ chính sách.
“Đặc biệt là địa phương, xem các công dân này chấp hành tốt chính sách thì mình hiệp y thôi, nếu thực hiện chính sách không tốt thì sẽ có ý kiến cụ thể”, ông Chính nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ba - phó Chủ tịch UBND xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, cho hay xã cũng mong muốn các cấp khen thưởng những đóng góp của ông Nguyễn Tiến Lãng. Ông Ba khẳng định ông Lãng chấp hành tốt pháp luật, không chống phá hay gây khó khăn gì cho địa phương, ngược lại còn tích cực đấu tranh chống sai phạm. Ông Nguyễn Đình Thường, Chủ tịch UBND xã Ngũ Thái, cũng xác nhận ông Nguyễn Công Uẩn không có sai phạm gì ở địa phương. Trước đó, ông Lưu Hồng Sơn, phó chánh văn phòng Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh cho biết đang đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen cho hai lão nông vì đã "khui" ra gần 3.000 hồ sơ thương binh giả. |
Theo Hà Thanh - Trí Tuệ (Tuổi Trẻ)