Phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

13/07/2016 14:50:00

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an cho rằng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hôm 12/7 về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc mang tính bước ngoặt. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

 
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an cho rằng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hôm 12/7 về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc mang tính bước ngoặt. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
 

Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan ngày 12/7 đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, trong đó tòa khẳng định yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Ông đánh giá như thế nào về phán quyết này?

Tòa trọng tài thường trực tại La Hay được thành lập theo phụ lục 7, về nguyên tắc pháp nhân là một cơ quan tài phán quốc tế, là 1 tổ chức của Liên Hợp Quốc và họ đã làm việc công minh, khách quan và nghiêm túc.

Tôi cho rằng đây là một phán quyết rất trung thực, phù hợp với thực tế khách quan và mang tính lịch sử. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở công lý quốc tế và tin vào phán quyết này của tòa. Trung Quốc không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào đối với yêu sách đường 9 đoạn.

Phán quyết của Tòa thường trực trọng tài một lần nữa đã bác bỏ tận gốc rễ những yêu sách phi lý của Trung Quốc với cái gọi là “chủ quyền ở Biển Đông”. Điều này cũng có nghĩa là những yêu sách của Bắc Kinh đối với Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế.

Thực tế, trước khi Tòa thường trực trọng tài đưa ra phán quyết này thì Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt những hành động gây hấn như đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19/1/1974, đánh chiếm 7 đảo chìm của Việt Nam vào ngày 14/3/1988. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm điểm 3 khoản 4 điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, vi phạm Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng tức là họ đã chà đạp lên luật pháp quốc tế, thậm chí ngay cả điều luật quan trọng của Liên Hợp Quốc họ cũng bất chấp.

Vì thế, phán quyết của Tòa thường trực trọng tài hôm 12/7 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó phản ánh tiếng nói của lương tri, của nhân loại tiến bộ đồng thời gián tiếp kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cảnh giác và có những biện pháp cứng rắn trước những hành động của Trung Quốc nhằm cố tình gây căng thẳng, khiêu khích, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Biển Đông.

 Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng phán quyết của tòa trọng tài là trung thực, phù hợp với thực tế khách quan.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng phán quyết của tòa trọng tài là trung thực, phù hợp với thực tế khách quan.

Phiên xét xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc được coi là vụ kiện thế kỷ bởi đây là lần đầu tiên một quốc gia có động thái, nỗ lực dùng biện pháp pháp lý để giải quyết những bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông. Theo ông, phán quyết này của tòa có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay và liệu nó có làm thay đổi cục diện ở Biển Đông hay không?

Trước hết phải nói rằng phán quyết của tòa trọng tài không có ý nghĩa cưỡng chế tức là không có ý nghĩa bắt buộc Trung Quốc phải thực hiện theo. Nhưng tôi cho rằng phán quyết này có ý nghĩa ở chỗ, nó thay mặt cho Liên Hợp Quốc, thay mặt cho quốc tế và nhân loại tiến bộ đưa ra một kết luận hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan.

Điều này cũng chứng tỏ tòa trọng tài hoàn toàn làm việc nghiêm túc, công tâm và không thiên vị bất kể nước nào dù đó là nước mạnh hay yếu. Phán quyết chứng tỏ công pháp quốc tế đã được tôn trọng, luật pháp quốc tế là tối thượng chứ không phải sức mạnh quốc gia là tối thượng.

Thứ 2, sau phán quyết này chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ có những đánh giá khác về Trung Quốc. Xét về góc độ pháp lý, Trung Quốc đã chà đạp lên luật pháp quốc tế. Họ là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an nhưng họ còn không tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc. Phương diện thứ 2 là về mặt chính trị và đạo đức. Đã rất nhiều lần, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố tôn trọng chủ quyền các nước láng giềng, Trung Quốc cam kết cùng các nước giữ vững hòa bình, ổn định cùng phát triển. Ngày 25/9/ 2015 tại vườn hồng nhà Trắng, trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama, ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông. Thế nhưng đến ngày 12/2/2016 , Trung Quốc lắp 8 bệ phóng tên lửa đất đối không ở Phú Lâm, lắp 4 hệ thống radar tần số cao để phục vụ mục đích quân sự. Rồi họ tiếp tục bồi đắp, đưa hàng trăm lượt máy bay chiến đấu đáp xuống sân bay chữ Thập – Gạc Ma. Như vậy xét cả ở phương diện đạo lý, chính trị không còn ai tin Trung Quốc vì họ thường xuyên “nói một đằng làm một nẻo”. Tôi cho rằng, phán quyết này một lần nữa chứng tỏ công lý phải thuộc về lẽ phải chứ không phải thuộc về kẻ mạnh.

Người Philippines vui mừng sau phán quyết của tòa (Ảnh: Reuters)
Người Philippines vui mừng sau phán quyết của tòa (Ảnh: Reuters)

Các kịch bản có thể xảy ra sau phán quyết của Tòa

Điều mà dư luận quan tâm lúc này là phản ứng của Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc sẽ án binh bất động để sự kiện trôi qua hay tiếp tục gia tăng áp lực ở nhiều điểm nóng của Châu Á sau khi có phán quyết của tòa, thưa ông?

Trước hết, phải nói rằng lãnh đạo của Trung Quốc là người nhìn xa trông rộng. Họ chắc chắn đã chuẩn bị đủ các kịch bản cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Tôi cho rằng sau khi có phán quyết bất lợi cho mình, họ có thể sẽ phản ứng theo hai phương diện. Thứ nhất về chính trị ngoại giao, truyền thông, thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục mở một đại chiến dịch truyền thông để tiếp tục nói dối nhân loại, lừa dối các nước về “chủ quyền của mình ở Biển Đông” đồng thời lôi kéo các nước ủng hộ mình. Trung Quốc sẽ thường xuyên đưa ra tuyên bố là họ có cơ sở pháp lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa và phán quyết của tòa là không có giá trị và không liên quan đến mình.

Thứ 2, Bắc Kinh sẽ có thể có những hành động phản ứng trên thực tế. Kịch bản thấp là họ tiếp tục quân sự hóa biển Đông một cách nhanh hơn, quyết liệt hơn. Hiện nay, Trung Quốc đã xây sân bay chiến đấu, thời gian tới có thể họ sẽ đưa máy bay ném bom chiến lược tầm xa xuống sân bay chữ Thập; trực tiếp đưa máy bay chiến đấu J10, J11, Su 30… xuống sân bay Gạc Ma; lắp thêm một số tổ hợp giàn khoan tên lửa HQ 9 ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Thứ nữa là có khả năng họ sẽ bồi đắp đảo Scarborough của Phillippines và biến đây trở thành 1 căn cứ quân sự. Tất nhiên việc này không hề đơn giản.

Một phương án xấu nhất nữa không loại trừ là Trung Quốc có khả năng sẽ lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông theo 3 mức độ khác nhau. Mức độ thấp là họ thiết lập vùng nhận diện phòng không trên quần đảo Hoàng Sa. Ở đây, Trung Quốc đã chuẩn bị rất nhiều vật chất kỹ thuật như: sân báy, máy bay, tên lửa đất đối không HQ9, radar tần số cao rồi. Nếu điều này xảy ra thì họ sẽ chồng lấn lên vùng không phận của Việt Nam và Philippines, chồng lấn lên vùng thông tin bay của TP. Hà Nội, TP. HCM và Hồng Kông.

Thậm chí mức độ nghiêm trọng hơn nữa là Trung Quốc sẽ lập vùng nhận diện phòng không ở Trường Sa. Nếu như vậy thì mức độ ảnh hưởng sẽ là cả thế giới. Vì điều này không chỉ chồng lấn lên vùng thông tin bay của hàng loạt các TP lớn như TP.HCM, Singapore, Malaysia… mà an ninh hàng không thế giới cũng trở nên cực kỳ nghiêm trọng.

Bước cuối cùng là Trung Quốc còn có thể lập vùng nhận dạng phòng không trên đường 9 đoạn. Đây là mức nghiêm trọng và nguy hiểm nhất. Nếu như vậy rõ ràng toàn bộ biển Đông đều sẽ trở thành điểm nóng.

Tôi nghĩ Trung Quốc có thể sẽ vừa làm, vừa nghe ngóng phản ứng của Mỹ, của cộng đồng quốc tế. Nếu như sau phán quyết này mà cộng đồng quốc tế lên tiếng ca ngợi Phillipines và tính khách quan của tòa án trọng tài thì khả năng Trung Quốc sẽ có những hành động đáp trả lại. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc không đủ sức để muốn làm gì thì làm. Nếu họ có những hành động gây hấn quá đáng, bất chấp thì sẽ bị cả cộng đồng quốc tế tẩy chay. Phải nhấn mạnh rằng, Trung Quốc cần thế giới 100 lần nhưng thế giới cần Trung Quốc 1 lần. Nếu không có sự ủng hộ của thế giới thì Trung Quốc sẽ không thể phát triển.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông (Ảnh: Reuters)

Việt Nam sẽ có sức mạnh pháp lý hơn nhờ phán quyết của tòa

Vậy theo ông, phán quyết của Tòa ảnh hưởng và tác động gì đến Việt Nam?

Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc vào tháng 1/2013. Riêng vụ kiện của Philippines, ngay về thủ tục pháp lý, hồ sơ vụ kiện cũng không phải dễ dàng. Để theo đuổi vụ kiện này Phillipines đã phải chuẩn bị 4.000 trang hồ sơ. Họ có một đội ngũ luật sư cực giỏi và am hiểu luật pháp quốc tế. Vì thế, nếu có một kịch bản xảy ra tương tự với Việt Nam thì chúng ta có thể học hỏi được họ về việc chuẩn bị pháp lý, hồ sơ một cách kỹ càng, cẩn thận.

Hiện nay, chúng ta đang kiên trì thực hiện đấu tranh bằng con đường đối thoại hòa bình, ngoại giao. Tôi cho đây là một hình thức đấu tranh phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không kiện nếu Trung Quốc cố tình có những hành vi gây hấn, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Nhờ có vụ kiện của Philippines mà chúng ta có thể có những kinh nghiệm xử lý, kinh nghiệm giao tiếp luật pháp quốc tế.

Phán quyết của Tòa hôm 12/7 có lợi cho Philippines thì cũng có lợi cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bảo vệ chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông. Như vậy, Việt Nam sẽ có sức mạnh pháp lý hơn. Bạn bè quốc tế chắc chắn sẽ nhìn chúng ta ở 1 vị thế khác hơn. Có thể lâu nay một số nước vẫn còn nghi ngại Việt Nam về việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì nhờ có phán quyết này sự ủng hộ Việt Nam sẽ rộng rãi và lớn mạnh hơn rất nhiều.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hà Trang (Dân Trí)

Nổi bật