Những ngày cuối năm học, trên mạng xã hội tràn ngập thông tin về bảng điểm, thành tích học tập của học sinh do cha mẹ các em đăng tải. Theo các chuyên gia, hành vi này gây hại nhiều hơn có lợi cho trẻ.
Đặc biệt, từ 1.6, hành vi này sẽ bị cấm vì rất dễ bị kẻ xấu lấy thông tin cá nhân để trục lợi.
Hại nhiều hơn lợi
Mặc dù đạt kết quả học tập khá cao, song H.L, học sinh lớp 8 ở một trường THCS trên địa bàn Q.Đống Đa (Hà Nội), lại không vui vẻ khi bị mẹ đưa kết quả học tập trung bình đạt 9,6 lên mạng. L. chia sẻ: “Em không muốn trở thành đề tài cho người lớn bình luận. Bên cạnh những lời chúc mừng, có những người ác ý bảo rằng đó là thành tích ảo, điểm khống. Còn bạn bè trêu đùa, bảo em là không bình thường. Năm nay em đã lớn, em muốn cha mẹ phải tôn trọng ý kiến riêng của em”.
Cách đây vài ngày, Đ.H.A - học sinh tại một trường THPT ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), bị bạn bè trêu chọc, tung kết quả học tập không lấy gì làm sáng sủa lên một diễn đàn của giới trẻ, kèm theo đó là tên tuổi, địa chỉ trường lớp. Sau đó, kết quả được chia sẻ rất nhiều trên Facebook khiến Đ.H.A xấu hổ, mặc cảm không dám ra khỏi nhà. Dù sau đó người bạn đã xin lỗi, gỡ bỏ hình ảnh, trò đùa ác ý đã làm tổn thương không chỉ em mà cả gia đình em.
Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, nhìn nhận có thể cha mẹ muốn khoe kết quả học tập của học sinh lên mạng, nhưng chưa chắc trẻ đã thích. Có em ngại, xấu hổ không thích khen nhiều, không muốn nhiều người biết. Lại có trường hợp, khen ngợi quá làm trẻ em dễ mắc bệnh “ngôi sao”, không cần phấn đấu. Có những trường hợp mặc cảm, bị bạn bè trêu chọc...
|
Nhìn nhận dưới góc độ của chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Phạm Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Công tác xã hội (Học viện Thanh thiếu niên VN - T.Ư Đoàn), cho rằng tâm lý của các bậc cha mẹ là “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không biết rằng việc đưa thông tin, kết quả học tập của học sinh lên mạng có 2 mặt. Về mặt tích cực, trẻ tự hào vì được người lớn khen. Nhưng phần lớn chỉ là học sinh bậc tiểu học. Từ bậc trung học trở lên, do thay đổi tâm sinh lý, các em không muốn khoe điều này. Ở khía cạnh tiêu cực, việc đưa kết quả của con lên mạng vô hình trung tạo áp lực học tập, năm sau phải cố gắng. Nếu không đạt, trẻ thường tìm mọi lý do để che giấu, nói dối, hậu quả khôn lường.
Thêm vào đó, việc đưa lên còn tạo áp lực gián tiếp cho các bà mẹ khác. Họ có thể chì chiết con mình, học hành không giỏi giang đỗ đạt như con nhà người ta.
“Nếu nói việc này có lợi hay hại, tôi cho rằng gây hại nhiều hơn. Ngoài gây áp lực cho con, việc lộ thông tin cá nhân có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, an toàn, thậm chí cả tính mạng của trẻ (vì kẻ xấu sẽ biết rõ danh tính trường lớp của trẻ - NV)”, bà Linh nói.
Vi phạm thông tin cá nhân
PGS-TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho rằng bố mẹ không nên đưa thông tin cụ thể để người ngoài có thể nhận dạng được trẻ, điều này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nếu bị kẻ xấu lợi dụng.
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Oanh, đã từng có trường hợp những kẻ xấu có thông tin và lập kế hoạch bắt cóc trẻ, hoặc có những kẻ biến thái lạm dụng tình dục hay sử dụng thông tin vào mục đích xấu… “Ranh giới giữa việc phạm luật và không phạm luật trong trường hợp này rất mong manh. Nếu thông tin đăng tải được con đồng ý thì không sai luật, nhưng bố mẹ cũng cần cân nhắc các hành vi này và đặt câu hỏi liệu việc đăng tải hình ảnh đó có phải vì lợi ích tốt nhất của con hay không? Trong trường hợp bố mẹ không đưa thông tin lên mà người khác vô tình hay cố ý làm lộ thông tin cá nhân của trẻ thì bố mẹ các cháu có quyền viết đơn khởi kiện, yêu cầu người sử dụng phải gỡ bỏ thông tin, đính chính, xin lỗi...”.
Bà Ninh Thị Hồng cho rằng, việc đưa kết quả là không nên, vi phạm luật Trẻ em. Tại điều 21, luật này đã quy định quyền về bí mật đời sống riêng tư của trẻ. Điều 33, Nghị định hướng dẫn một số điều của luật trẻ em cũng đã quy định rõ không nêu địa chỉ, thông tin về trường lớp, kết quả học tập của trẻ. Bà Hồng bày tỏ: “Do ngày 1.6 luật Trẻ em mới có hiệu lực. Đây là luật mới, cần phải tuyên truyền rộng rãi để các bậc phụ huynh nắm rõ, hiểu rõ quy định này để bảo vệ trẻ em tốt hơn. Nếu có đưa, chỉ chia sẻ thông tin kết quả học tập với người thân ở xa hoặc giấu danh tính, trường lớp của trẻ”.
Đồng quan điểm này, luật gia Lê Thế Nhân cho biết thêm, bố mẹ cần hỏi ý kiến của con khi chia sẻ điểm số, kết quả học tập lên mạng, là người giám hộ, bố mẹ không được quyền quyết định thay con. Khi lớn lên trẻ sẽ cảm thấy bất công, khi cha mẹ không tôn trọng, không quan tâm đến ý kiến của mình.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), việc cha mẹ cung cấp kết quả học tập, kèm những thông tin cụ thể của con mà không được con đồng ý không phải là hiếm gặp, nhất là mỗi khi kết thúc học kỳ, kết thúc năm học. Ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm: “Từ 1.6, luật Trẻ em có hiệu lực. Nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ, nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định, nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ”. Về việc xử lý các vi phạm về quyền trẻ em, ông Nam cho hay hiện tại Bộ LĐ-TB-XH mới đề nghị các cơ quan sửa lại luật Xử lý vi phạm hành chính, theo hướng quy định phạt bao nhiêu, gỡ thông tin thế nào? Cần phải quy định cụ thể trong một nghị định hướng dẫn thì mới xử lý được. |
Theo Thu Hằng (Thanh Niên Online)