Phải coi một mình BN237 người Thụy Điển như một tâm dịch COVID-19

04/04/2020 18:00:00

Đối với báo cáo dịch tễ của bệnh nhân 237 có liên quan nhiều cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế giao BCĐ phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội xử lý coi như một tâm dịch để có biện pháp triển khai quyết liệt, tránh lây lan ra cộng đồng.

Sáng 4/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 với 27 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 6h sáng 4/4, Việt Nam đã có thêm 2 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 239 trường hợp. Cũng tính đến sáng 4/4, tại Việt Nam đã có 90 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

Phải coi một mình BN237 người Thụy Điển như một tâm dịch  COVID-19 - Ảnh 2.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội báo cáo tại buổi họp trực tuyến

Ngoài lo ngại dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, tại cuộc họp, các chuyên gia y tế đã đề cập đến nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập tại các cơ sở y tế. Bởi vì những người vào bệnh viện đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay, các bệnh viện phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên y tế phải tuân thủ các biện pháp phòng hộ, bảo đảm khoảng cách giữa những người đến khám với nhau….

Phải coi một mình BN237 người Thụy Điển như một tâm dịch  COVID-19 - Ảnh 3.
Kiểm tra thân nhiệt người đến khám ở bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi có thông tin về bệnh nhân 237 (64 tuổi, người Thuỵ Điển) đã đến nhiều điểm trên địa bàn thành phố, Hà Nội đã rà soát, quản lý cách ly 455 người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người tiếp xúc liên quan đến bệnh nhân 237, trong đó có 101 trường hợp là F1, 354 người là F2.

Hiện 101 trường hợp F1 đã được cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm, các trường hợp là F2 cũng đã được cách ly tại nhà.

Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành khử khuẩn số khoa, phòng tại Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Đây là những nơi mà bệnh nhân 237 đã đến.

Cùng với đó, tiến hành cách ly một số khoa tại các bệnh viện, thông báo tới các địa phương khác tỉnh bệnh nhân đã đến và có tiếp xúc, khẩn trương tiếp tục điều tra dịch tễ học quá trình di chuyển bằng đường bộ, kiểm tra camera để xác định tiếp xúc của bệnh nhân.

Phải coi một mình BN237 người Thụy Điển như một tâm dịch  COVID-19 - Ảnh 4.

Giám đốc BVĐK Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, nhân viên y tế đều có bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân, đeo khẩu trang y tế, có mạng che mặt. Khoảng hơn 10 cán bộ y tế đã tiếp xúc bệnh nhân 237. Tất cả các ca F1, F2 đều phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm của tất cả các nhân viên y tế. Bệnh nhân vào khoa Cấp cứu không có bệnh nhân nội trú.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết khi tiếp nhận thông tin về nam bệnh nhân này đã không loại trừ tình huống bệnh nhân có thể mắc COVID-19 nên đã bố trí riêng một lối đi cho bệnh nhân vào nằm phòng riêng. Tất cả nhân viên tiếp xúc với bệnh nhân 237 này đều trang bị bảo hộ như tiếp xúc với một bệnh nhân nghi ngờ dương tính COVID-19.

Khi có thông tin bệnh nhân dương tính, Viện đã lên danh sách những người là F1, lấy mẫu và cách ly tại một khu riêng của viện. Đồng thời, nhóm người thuộc diện F2 cũng được cách ly riêng tại tầng cao nhất của Viện. Rà soát danh sách này, gồm khoảng 60 người F1, F2.

Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương hiện đang có khoảng gần 600 bệnh nhân nặng, bệnh nhân mới vào điều trị cho nên không thể cho bệnh nhân ra viện.

Để hạn chế tập trung đông người tại bệnh viện, phòng lây nhiễm chéo, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tăng cường triển khai khám trực tuyến, đặt lịch hẹn khám qua điện thoại qua mạng, đồng thời tổ chức cấp phát thuốc cho người bệnh mãn tính từ 1-3 tháng. Riêng đối với bệnh nhân nội trú, bệnh viện chỉ cho phép một người nhà đến thăm và không cho người ra, vào thăm bệnh nhân...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dịch bệnh vẫn tiểm ẩn những nguy cơ lan rộng ra cộng đồng. Thứ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, thông báo của Bộ Y tế về danh sách người nước ngoài từ Việt Nam về và những người đến khám, chăm sóc phục vụ người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai; những ai có liên quan đến lịch trình di chuyển của bệnh nhân 237, tuyên truyền hướng dẫn để người dân biết tự khai báo.

Duy trì tổ “đi từng ngõ gõ từng nhà” mỗi tổ tối thiểu 2 người, thành phần gồm công an (cảnh sát khu vực) và y tế cơ sở, Mặt trận tổ quốc, bí thư trưởng thông khu phố. Mỗi tổ phụ trách một cụm dân cư, khu phố khoảng 50 hộ gia đình lập danh sách theo dõi, sáng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt ho khó thở đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch.

Đối với việc xét nghiệm, địa phương sẽ chọn 1 huyện hoặc phường dự kiến có thể nguy cơ để xét nghiệm cắt ngang cộng đồng để đánh giá nguy cơ cộng đồng.

Đối với báo cáo dịch tễ của bệnh nhân 237 có liên quan nhiều cơ sở y tế (Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Đức Giang, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện E), giao lại cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hà Nội xử lý coi như một tâm dịch để có các biện pháp triển khai quyết liệt để tránh lây lan ra cộng đồng.

Theo Q.An (Giadinh.net.vn)

Nổi bật