Những ngày qua, một số chủ phương tiện bức xúc về tình trạng xe dán thẻ ETC nhưng chủ xe không biết. Một vài trường hợp khác lại bức xúc muốn dán thẻ ETC mới thì phải hoàn thành huỷ thẻ cũ, phải đi lại bất tiện.
Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cho biết, một số người phản ánh bản thân không đăng ký dịch vụ ETC nhưng đã có thông tin đăng ký, những trường hợp này có thể còn xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt khi các tuyến cao tốc, quốc lộ triển khai thu phí 100% bằng ETC.
Nguyên nhân là do trước khi dán thẻ chủ phương tiện cho mượn/thuê xe, người lái xe đi qua các tuyến và đăng ký dịch vụ bằng thông tin, số điện thoại của người lái mà chủ phương tiện không nắm được thông tin; hoặc phương tiện đã đăng ký dịch vụ bởi chủ cũ sau đó được chuyển nhượng sang chủ mới mà chưa thay đổi biển số, không còn thẻ trên xe,…
Đối với các trường hợp này, VETC cho biết đã tổ chức lực lượng hỗ trợ trực tiếp tại 21 trạm thu phí do ePass vận hành, 6 tuyến cao tốc chuẩn bị thu phí thuần ETC từ ngày 1/8 tới.
VDTC sẽ nghiên cứu triển khai các nghiệp vụ chuyển đổi chủ quyền, huỷ dịch vụ tại hệ thống cửa hàng giao dịch với hơn 1.100 điểm giao dịch. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ phương tiện có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ.
Về tình trạng chủ phương tiện muốn huỷ thẻ cũ để dán thẻ mới, nhưng phải mất công đi lại, đại diện VETC giải thích rõ, việc một chủ thẻ muốn đăng ký huỷ dịch vụ ETC của nhà cung cấp cũ để đăng ký dịch vụ nhà cung cấp mới là quy định của nhà nước. Trước đây để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, VDTC đã tạo hệ thống cho đăng ký mời và huỷ thẻ qua online.
Tuy nhiên, sau đó việc đăng ký online phải dừng do có tình trạng thẻ của VETC dán chồng thẻ của VDTC quá nhiều (khoảng 35.000 xe). VDTC đã báo cáo với Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT về tình trạng này và mong muốn được xử lý dứt điểm, không còn lặp lại tình trạng thẻ dán chồng thẻ.
“Việc thẻ dán chồng thẻ đứng cả góc độ khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ và cả nhà nước đều rất lãng phí về thời gian và chi phí, trong khi hệ thống đã liên thông dù thẻ của đơn vị nào cũng đều được tạo điều kiện qua trạm thu phí một cách thuận tiện nhất”, ông Trình nói.
Về thông tin nhân viên VDTC vì áp lực doanh số nên kích ảo phương tiện để lấy doanh số, đại diện VDTC cũng khẳng định, đơn vị không có chủ trương này và xử lý nghiêm, thậm chí đuổi việc nếu phát hiện nhân viên dán thẻ vi phạm.
Ông Hồ trọng Vinh, Phó giám đốc VETC cũng khẳng định, doanh nghiệp không có chủ trương kéo khách hàng bóc thẻ của đơn bị khác thay bằng thẻ đơn vị mình.
Ông Vinh cho biết cũng có một lượng khách hàng bỏ VETC để chuyển sang VDTC và doanh nghiệp phải chấp nhận.
Phó giám đốc VETC thông tin thêm, hiện đơn vị chưa có chức năng hủy tài khoản online cho khách hàng, nên hàng của VETC vẫn phải đến tận văn phòng của hãng để đăng ký hủy.
Trước những bất cập nêu trên, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đề nghị các đơn vị tiến hành kiểm tra, chủ động rà soát, có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trước ngày 5/8.
Đặc biệt, cần có giải pháp để chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ (e-Tag hoặc ePass) đã dán thông qua việc tăng cường các điểm dịch vụ hoặc thực hiện online qua hệ thống internet...
Giám sát xử lý bình đẳng
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng nói rõ, do hệ thống thu phí tự động mới áp dụng nên trong quá trình sử dụng có những vấn đề trục trặc, phát sinh xảy ra trong thời gian đầu.
Tuy nhiên, khi người dân phản ánh có những bất cập thì đơn vị cung cấp dịch vụ và quản lý nhà nước phải tập trung xử lý để đem lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dân.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, giữa người dân và nhà cung cấp dịch vụ (nhà đầu tư dự án, nhà cung cấp dịch vụ ETC) đã có quy định phải bình đẳng trước quy định pháp luật.
Theo quy định chủ phương tiện cố tình không dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC đi qua trạm thu phí có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng, còn trong hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ và chủ đầu tư cũng đã khẳng định, nếu sai lỗi do chủ đầu, nhà cung cấp dịch vụ cũng bị phạt.
Các nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống.
Ngoài ra, về trách nhiệm thực thi nhiệm vụ đối với các cơ quan đơn vị cũng phải nghiên cứu để xử lý. Nếu làm không đúng về nguyên tắc phải bồi thường cho người sử dụng dịch vụ.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT cũng đã giao Tổng cục Đường bộ và Thanh tra Bộ thường xuyên kiểm tra giám sát phối hợp tháo gỡ, dần dần hoàn thiện quy trình để khai thác.
Theo Vũ Điệp (VietNamNet)