Khi TP Hà Nội thông qua phương án cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm, trong đó có việc nạo vét bùn và bổ sung nước cho hồ với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 30 tỷ đồng.
Ông Lê Vũ Quảng Sương (Phó TGĐ Cty TNHH MTV cấp thoát nước Hà Nội - đơn vị thực hiện dự án) đã có những trao đổi với phóng viên về số vốn trên.
Ông Sương lý giải: "30 tỷ không phải chỉ riêng công tác nạo vét, chúng tôi có các công tác khoan, phổ cập nước hồ, xử lý sau khi nạo vét để trả lại môi trường trong sạch, giá trị 30 tỷ đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt".
"Chúng tôi coi đây là việc làm cho xã hội vì Hồ Gươm không phải chỉ riêng của Hà Nội mà còn là trái tim của cả nước nên sẽ không có việc đội vốn", ông Sương khẳng định.
Theo đó, công tác nạo vét Hồ Gươm được tiến hành từ ngày 28/11 và dự kiến hoàn thành trước Tết nguyên đán 2018.
Công tác nạo vét được thực hiện liên tục từ 21 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau (ngày mở phố đi bộ bắt đầu làm từ 24 giờ) với khoảng hơn 200 công nhân và máy móc để hạn chế ảnh hưởng đến người tham quan.
Đơn vị thi công dự tính toàn bộ quá trình nạo vét sẽ di chuyển khoảng 50.000 m3 đất bùn ra khỏi hồ. Việc đảm bảo màu nước xanh đặc trưng của Hồ Gươm và hệ sinh thái lòng hồ cũng được dư luận đặc biệt quan tâm.
"Trước khi nạo vét, chúng tôi đã tiến hành lấy gen các mẫu tảo làm nên màu xanh đặc trưng của hồ để khi quá trình nạo vét hoàn thành sẽ cấy lại nhằm trả lại màu xanh cho hồ".
"Đối với Hồ Gươm chúng ta không thể mang máy móc ào ạt vào làm, 7m từ chân kè bờ hồ, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn sẽ nạo vét thủ công, các khu vực khác thực hiện bằng phương tiện cơ giới nhưng cũng sẽ không thực hiện cùng lúc để tránh ảnh hưởng tới địa chất, hệ sinh thái", đại diện Ban chỉ đạo dự án nói.
Đơn vị thực hiện dự án cũng cho biết: "UBND TP. Hà Nội đã thảo luận cùng nhiều chuyên gia để đưa ra phương án nạo vét tốt nhất, toàn bộ quá trình nạo vét được thực hiện theo chuẩn ĐTM đã được các cấp có thẩm quyền cùng các nhà khoa học phê duyệt".
Theo Gia Chính (Soha/Trí Thức Trẻ)