Quan điểm này được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại cuộc họp trực tuyến thường kỳ hàng tháng của Chính phủ về kinh tế - xã hội với các bộ ngành và địa phương, sáng 2/2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, đến giờ phút này có thể nói Vân Đồn cơ bản là ổn, cơ bản kiểm soát được. Ở Chí Linh cũng cơ bản khống chế tốt. Cơ quan chức năng đã phong tỏa lỏng trên toàn thành phố và chỉ phong tỏa thắt chặt đối với một số điểm.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta đừng lo ca bệnh nhiều, cái lo là làm sao lần đúng dấu vết. Tôi lo nhất là ngày hôm kia, thanh niên ở Phú Thọ bị xác định là dương tính khi sang Nhật Bản. Nếu ca ấy mà dương tính thì rất phức tạp, nhưng cũng may đã có kết quả âm tính rồi”.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc 5k, đặc biệt việc đeo khẩu trang, đeo bắt buộc.
Ông Đam cho biết, những ngày qua, đội ngũ phòng chống dịch các cấp đã nỗ lực rất lớn và chưa lúc nào, ngành y tế có quyết tâm cao như hiện tại. Ngoài bộ não là các lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, những cán bộ tuyến dưới, cán bộ cơ sở đang làm rất tốt với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Những tình nguyện viên giúp đỡ công tác truy xuất cũng đáng được biểu dương.
Theo ông Đam, khi có một ca bệnh được phát hiện, ngành y lập tức chia làm ba mũi triển khai.
Mũi thứ nhất, cấp tập nhất phát hiện, cách ly triệt để.
Mũi thứ hai là điều trị tốt và hiệu quả, đáng chú ý như: Hải Dương làm ba bệnh viện dã chiến, ngay Hà Nội cũng sẵn sàng dù chỉ có vài chục ca bệnh, cho thấy rất chủ động.
Mũi thứ ba tập trung điều tra F0, điều tra nhanh, truy vết rộng để khoanh vùng, dập dịch.
"Mỗi phần việc triển khai, tất cả lực lượng phải ra quân cấp tốc, không được chậm một phút nào. Chủng virus nCoV mới hay chủng nào thì cũng là virus. Nó nhanh hơn thì mình càng phải nhanh hơn nữa", ông Đam nói.
Đối với Hà Nội, nếu không có tình huống đột xuất xảy ra, dịch bệnh tại đây cũng cơ bản được kiểm soát. Thủ đô đã thực hiện các biện pháp khẩn trương, quyết liệt nhưng bài bản và đúng mực.
Phó thủ tướng cho rằng, không thể dừng hết hoạt động, giãn cách toàn bộ để chống dịch. Nếu chống dịch mà dừng hết các hoạt động thì dễ, khó là vẫn phải đảm bảo kinh tế phát triển, phục vụ mục tiêu kép. "Tinh thần thời gian tới là toàn hệ thống phải tiếp tục nâng cao cảnh giác với dịch bệnh. Tôi lo nhất là các tỉnh, những nơi chưa bao giờ phát hiện dịch vì chưa có kinh nghiệm, khi xảy ra dịch sẽ bị luống cuống", ông Đam nói.
Về các giải pháp, để ứng phó mọi khả năng xảy ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị áp dụng bắt buộc khai báo y tế đối với toàn dân. Những trường hợp trở về từ vùng dịch mà trốn khai báo y tế phải xử lý hình sự để răn đe, nâng cao ý thức cho cộng đồng. Ông cũng yêu cầu khi phát hiện người từ nước ngoài về hay người về từ vùng dịch không khai báo, người dân cần thông báo với cơ quan chức năng. Nếu thực hiện không nghiêm túc vấn đề này thì còn phải giãn cách xã hội.
Ông Đam cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách thúc đẩy phát triển vaccine trong nước. Khi chất lượng vaccine trong nước đạt yêu cầu nhưng giá rẻ hơn vaccine nước ngoài, Chính phủ cần ưu tiên dùng vaccine trong nước.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng trong tình huống xấu nhất, các bộ ngành và địa phương cần tính đến những giải pháp quyết liệt, mạnh tay để ứng phó. “Tôi nhìn nhận hiện tại, chúng ta không quá hoang mang nhưng không được chủ quan” – ông Bình nói và cho biết theo số liệu hiện tại, chủng virus SARS-CoV-2 đang phát triển ở mức độ rất nhanh.
Ông cũng đưa ra ba khả năng diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian tới. Khả năng đầu tiên là Việt Nam có thể ngăn chặn, khống chế được dịch bệnh trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Khả năng thứ hai là dịch bệnh không được khống chế hoàn toàn, nhưng lây nhiễm cộng đồng chỉ ở mức thấp. Với khả năng này, ông đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 tiếp tục duy trì các biện pháp đã thực hiện.
Khả năng thứ ba xấu nhất là không ngăn chặn được dịch bệnh. “Khi tình huống này xảy ra, các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, thậm chí phong tỏa trên diện rộng cần được thực hiện” - ông Bình nói.
Để ứng phó với mọi khả năng xảy ra, ông Trương Hòa Bình đề nghị các lực lượng áp dụng những kinh nghiệm, bài học trước đây như truy vết nhanh, phát hiện sớm, xét nghiệm tầm soát diện rộng. Các địa phương cần tập trung tối đa nguồn lực tài chính, trang thiết bị y tế và đề xuất chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Ông cũng yêu cầu các địa phương không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ, chỉ khoanh vùng những nơi được xác định là tâm dịch.
Đối với vấn đề vaccine phòng dịch COVID-19, ông cho rằng chắc chắn là phải mua. “Chúng ta cần nghiên cứu thị trường, đơn vị cung cấp nào tốt nhất để triển khai” – ông Bình nói thêm.
Tính từ khi đợt dịch thứ ba ở Việt Nam bùng phát, cả nước ghi nhận 276 ca bệnh Covid-19. Trong đó, Hải Dương ghi nhận 207 ca nhiễm, Quảng Ninh 33 ca, Hà Nội 20 ca, Gia Lai (6), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Bình Dương (2), TP HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca.
HL (Nguoiduatin.vn)