Ông Võ Văn Thưởng: Cán bộ ngại tiếp dân vì năng lực yếu

16/01/2016 11:05:17

"Mỗi tháng, người đứng đầu TP phải tiếp công dân 1 ngày; quận/huyện 2 ngày; phường/xã 4 ngày. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo thiếu trách nhiệm và thực hiện chưa tốt", ông Thưởng nói.

"Mỗi tháng, người đứng đầu TP phải tiếp công dân 1 ngày; quận/huyện 2 ngày; phường/xã 4 ngày. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo thiếu trách nhiệm và thực hiện chưa tốt", ông Thưởng nói.

"Tại hội nghị hôm nay, ai cũng nói việc tiếp công dân là có lợi. Từ đồng chí Chủ tịch quận 2, huyện Bình Chánh đến Phó giám đốc Sở đều cho rằng làm tốt việc này là có lợi, giúp mình hiểu dân và công việc hơn. Vậy tự bản thân chúng ta đã thấy cái lợi rồi, nên tôi tin công tác tiếp công dân, giải quyết tố cáo trong năm 2016 sẽ đạt kết quả tốt hơn", ông Võ Văn Thưởng nói.

Nhiều vụ khiếu kiện kéo dài 10 năm, 20 năm. Đơn thư tố cáo bị chuyển đi lòng vòng. Cơ quan này đẩy cơ quan kia. Khi chuyển đơn thư tố cáo của người dân, các sở/ngành lại không có hệ thống dữ liệu theo dõi vấn đề đã được giải quyết và xử lý hay chưa. Điều này khiến đơn vị tiếp nhận hồ sơ lại mất rất nhiều thời gian để tra cứu.

"Thiếu trách nhiệm trong tiếp công dân là hành vi nghiêm cấm. Việc đầu tư bộ máy tiếp dân cũng chưa đúng với tầm quan trọng của nó. Yêu cầu cán bộ phải giỏi, rành công việc mới hiểu vấn đề mà tiếp công dân", ông Thưởng nhấn mạnh.

Phó bí thư Thành ủy TP HCM nói, việc giải quyết khiếu nại tố cáo là nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện tốt mối quan hệ nhà nước và công dân. Phải đảm bảo quyền của công dân là quyền khiếu nại tố cáo. Đây là quyền rất quan trọng được luật quy định. Đó còn là nền tảng xây dựng mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, đồng thời củng cố được mối quan hệ giữa Đảng với dân.

"Quan liêu, xa rời nhân dân sẽ mang tới những tổn thất không thể nào bù đắp được. Nơi này dân đi khiếu kiện tập thể, chỗ kia cũng vậy. Hôm nay nhiều đồng chí phải ra Hà Nội để rước, đón dân của mình về vì giải quyết vấn đề không tốt", ông Thưởng phê phán.
 

Theo ông Võ Văn Thưởng, cán bộ quan liêu xa rời nhân dân sẽ mang tới những tổn thất không thể nào bù đắp được. Ảnh: Khánh Trung.

Phó bí thư TP HCM kể, "đi giao ban an ninh tôi hay nói với lãnh đạo các tỉnh là cố gắng giải quyết tiếp công dân cho thấu đáo đừng để họ kéo về TP lớn gây phức tạp thêm tình hình. Tuy nhiên, tới phiên mình thì cũng để dân ra Hà Nội ngay thời điểm Đại hội Đảng.

Như vậy các cấp đã thực sự tìm được người giỏi để tiếp dân chưa? Thử hỏi trong thời gian qua có cán bộ nào tiếp công dân được đề bạt lên chức vụ cao do làm tốt công tác tiếp công dân không? Hay các đồng chí coi phân công về vị trí này là bắt buộc".

Ông Thưởng yêu cầu lãnh đạo các quận huyện, phòng ban mới nhận nhiệm vụ phải nâng cao chức trách của người đứng đầu. Tiếp công dân là có va chạm, phải đọc hồ sơ nhiều, ra quyết định. Nếu không nắm chắc vấn đề thì không dám tiếp công dân. Không am hiểu pháp luật cũng không dám ra quyết định.

Phó bí thư TP HCM cho biết, Bộ Chính trị coi việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là thước đo để đánh giá cán bộ. Nếu làm không tốt thì không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Như vậy trách nhiệm của người đứng đầu rất là quan trọng. "Phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trách nhiệm. Năm tới đồng chí nào không tiếp công dân thì đừng xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", ông Thưởng kiên quyết.
 

Theo Chánh thanh tra TP HCM, năm 2015 có 7 quận huyện khiếu nại đông người như quận 1, 8, 9, Bình Thạnh, Cần Giờ, Củ Chi. Trong đó có một số vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm, các cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền xem xét giải quyết nhiều lần nhưng dân không đồng ý.

Đến thời điểm hiện nay, nổi cộm có 3 vụ khiếu nại đông người kéo dài là dự án Thảo Cầm viên (huyện Củ Chi), dự án khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), dự án khu Công nghệ cao (quận 9).
 
Theo Khánh Trung (Zing.vn)

Nổi bật