Ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch FLC bị bắt: Thao túng có hệ thống, phải xử nặng

31/03/2022 07:16:20

Theo các chuyên gia, sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam dù gây rúng động thị trường nhưng thực sự là tin tức được nhiều nhà đầu tư ủng hộ, bởi nó đã khởi đầu cho việc tạo và giữ môi trường đầu tư sạch, an toàn.

Ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch FLC bị bắt: Thao túng có hệ thống, phải xử nặng

Tất cả hành vi thao túng, vi phạm luật pháp mang tính hệ thống đều sẽ có thể bị xử lý nặng. Trong ngắn hạn, tin bắt chủ tịch FLC gây tác động xấu tới trực tiếp nhóm cổ phiếu họ FLC nhưng về dài hạn đây là tin tốt cho thị trường, nhà đầu tư.

Đút túi trăm tỷ, chịu phạt ... 65 triệu đồng

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Quyết được xác định là đã thực hiện từ đầu tháng 12/2021, kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022, phiên Chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu. Trở lại thời điểm đầu tháng 12/2021, thị giá cổ phiếu FLC ở khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch trên dưới 20 triệu cổ phiếu/phiên.

Thị giá biến động trong biên độ hẹp suốt nửa đầu tháng 12/2021 và bắt đầu hành trình leo giá từ phiên 16/12. FLC tăng trần lên 17.400 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tăng vọt lên 35 triệu cổ phiếu. Cũng từ đó, FLC bắt đầu tăng giá, đến 5/1 đạt 20.000 đồng/cổ phiếu và lên mức 22.550 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1, trước khi lao dốc trong phiên 10/1, khi ông Quyết bán chui cổ phiếu.

Phiên 10/1 hơn 74 triệu cổ phiếu (tương ứng 19% vốn hoá) của FLC được sang tay chớp nhoáng. Sau đó, giao dịch này bị phát hiện là bán không công bố thông tin. Thậm chí, khi ấy, hệ thống của HoSE còn tái diễn nghẽn lệnh, thị trường đột ngột “quay xe”, và bước vào chuỗi điều chỉnh kéo dài, chịu hiệu ứng domino từ vụ FLC, sau đó là Tân Hoàng Minh.

Năm 2017, UBCKNN từng xử phạt vi phạm hành chính với ông Trịnh Văn Quyết, do bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo thông tin giao dịch. Ước tính trong thương vụ này ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỷ đồng theo giá thị trường, song số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng (quá nhỏ và không đủ tính răn đe).

Trong phiên giao dịch ngày 30/3, hơn 210 triệu cổ phiếu nhóm FLC nằm sàn. Vốn hoá cả nhóm FLC “bốc hơi” khoảng 4.035 tỷ đồng kể từ đầu tuần. Trong đó, vốn hoá FLC bốc hơi gần 2.000 tỷ kể từ đầu tuần, giảm từ mức 10.365 xuống 8.377 tỷ đồng. Thị giá FLC giảm hơn 18%, từ 14.600 đồng/cổ phiếu xuống 11.800 đồng/cổ phiếu.

Các mã trong hệ sinh thái FLC, sau 3 phiên lao dốc, thị giá đều về mức “trà đá”. ROS giá 7.590 đồng/cổ phiếu, KLF 5.400 đồng/cổ phiếu, HAI 5.470 đồng/cổ phiếu, 8.800 đồng/cổ phiếu, AMD 5.670 đồng/cổ phiếu.

“Từ sự vụ này, tâm lý đánh bạc, đầu cơ đội lái trên thị trường chứng khoán sẽ giảm bớt. Nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn tốt, quy mô lớn, chủ động dòng tiền, minh bạch trong hoạt động kinh doanh, lãnh đạo uy tín sẽ sớm tăng trở lại”, ông Tuấn nhấn mạnh

Cũng trong phiên 30/3, các cổ phiếu ngân hàng là "chủ nợ" FLC vay đang là tâm điểm của thị trường như STB, OCB, BID, NVB diễn biến trái chiều. Cụ thể, STB giảm nhẹ, OCB giảm 1,6%, NVB giảm 1,9%, ngược lại BID dẫn dắt thị trường, là mã giao dịch tích cực nhất phiên 30/3.

Phải xử lý tăng nặng

Liên quan tới vụ việc, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp nhận định, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết là thông điệp thể hiện rõ quyết tâm làm trong sạch và minh bạch TTCK. Tất cả hành vi thao túng, vi phạm luật pháp mang tính hệ thống, đều sẽ bị xử lý theo chiều hướng tăng nặng.

Ngoài trấn an tâm lý cho nhà đầu tư cá nhân, việc này sẽ mang lại niềm tin cho giới đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ông Điệp lưu ý, không loại trừ có những ảnh hưởng mang tính "domino" khi một vài chủ thể thị trường phải bán tài sản là các cổ phiếu tốt, để cân đối lại khoản mục cho vay nhóm FLC.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, sáng lập Công ty Quản lý tài sản FIDT nhận định, sau việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, ảnh hưởng (nếu có) của hệ sinh thái FLC đến nền kinh tế, ở mức độ thấp, không đáng kể vì quy mô kinh doanh của nhóm này rất bé, ngoại trừ Bamboo Airways chưa có số liệu cụ thể (vì không phải công ty đại chúng).

“Tổng doanh thu hệ sinh thái tập đoàn này vào khoảng 13.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 500 triệu USD và chỉ bằng khoản 0.014% GDP Việt Nam. Về nợ bao gồm cả ngắn và dài hạn chưa tính BVA vào khoảng 8.400 tỷ đồng, tương đương với khoảng 360 triệu USD và quá bé so với quy mô nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của nền kinh tế Việt", ông Tuấn phân tích.

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, đối với vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết, cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, làm rõ hành vi vi phạm cụ thể tội danh thao túng thị trường chứng khoán của ông Quyết là những hành vi nào, hành vi bị khởi tố đã từng bị cơ quan nào xử lý chưa.Trường hợp hành vi đã bị xử phạt hành chính nhưng được xác định là không phù hợp và có dấu hiệu tội phạm thì phải huỷ bỏ quyết định xử phạt hành chính trước khi khởi tố vụ án hình sự.

Theo Luật sư Tú, đây mới là giai đoạn đầu của vụ án nên những thông tin về vụ án còn cần có sự thận trọng để phục vụ cho hoạt động điều tra của cơ quan công an, đảm bảo tính khách quan. Với tư cách là người hiểu biết có tư duy pháp lý và doanh nhân hoạt động có những đóng góp nhất định trong hoạt động kinh doanh và sự hợp tác trong quá trình điều tra, ông Trịnh Văn Quyết có thể có những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nói trên. Do đó, nếu cơ quan chức năng buộc tội và sau này đưa vụ án ra xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng là Toà án sẽ cân nhắc lượng hình theo đúng quy định pháp luật.

Thao túng chứng khoán sẽ bị phạt tù rất nặng

Hiện nay, trên thị trường chứng khoán, những người như ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ nhiều cổ phiếu nên việc mua bán của họ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường. Để tránh trường hợp những người này thao túng chứng khoán thì pháp luật đã có những quy định nhằm quản lý thị trường, tạo ra sự minh bạch, công bằng, bình đẳng. Trường hợp hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/1/2022 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam”.

“Đối với cá nhân có hành vi này sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù giam và phải nộp phạt số tiền lên tới 4 tỷ đồng tuỳ theo mức độ phạm tội. Đối với pháp nhân khi phạm phải tội này có thể bị phạt tiền lên tới 10 tỷ đồng, thậm chí là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng”, Luật sư Tú nói.

Theo Việt Linh - Ngọc Mai (Tiền Phong)

Nổi bật