Ông Trần Hồng Hà: Thiệt hại do mưa lũ một phần vì dự báo chưa chính xác

31/10/2017 16:00:00

Bộ Tài nguyên đang bổ sung khoảng 3.000 điểm dự báo mưa, đạt 40-100 km2 có một trạm.

Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trên nghị trường, chiều 31/10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nêu ý kiến về công tác cảnh báo thiên tai.

"Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua là do chưa chủ động, chưa chính xác liên quan đến dự báo về định lượng, về lượng mưa, lũ lụt", ông Hà nói. 

Ông Trần Hồng Hà: Thiệt hại do mưa lũ một phần vì dự báo chưa chính xác
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Quốc Khánh

Bộ trưởng cho biết thêm, bên cạnh đó còn có nguyên nhân mất rừng, công tác quy hoạch, bố trí dân cư, người dân ở những khu vực nhạy cảm. Đặc biệt, lượng mưa vừa qua cũng lớn nhất lịch sử và hết sức cực đoan.

Theo Bộ trưởng Hồng Hà, công tác dự báo định lượng mưa và dự báo lũ quét, sạt lở đất, khoa học hiện nay và ở các nước tiên tiến cũng mới dự báo được trên diện rộng, dự báo trong điều kiện cực đoan và diện hẹp còn khiếm khuyết.

Nhà nước đã quan tâm đầu tư, Bộ đang đưa các dự án đồng bộ, phục vụ công tác dự báo nói chung. Để so được mức trung bình thế giới thì Việt Nam phải tập trung nhiều nhân lực. Thời gian tới cần triển khai Luật về Khí tượng thuỷ văn với tinh thần xã hội hoá, thu hút các thành phần kinh tế tham gia", ông Hà nói.

Bộ trưởng Tài nguyên cho hay, hiện có 1.300 điểm đo mưa giúp cho công tác dự báo, Bộ sẽ cố gắng bổ sung thêm khoảng 3.000 điểm dự báo mưa nữa thông qua đóng góp của xã hội. Như vậy sẽ đạt mức trung bình khoảng 40-100 km2 có một trạm dự báo mưa; việc này được triển khai trong năm 2018.

Cũng theo ông Hà, hiện Việt Nam đã xây dựng bản đồ lũ ống, lũ quét, tai biến do địa chất, vì vậy các địa phương, bộ ngành cần rà soát để điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất hợp lý hơn. Các tỉnh miền núi phía Bắc phải coi cơ chế môi trường, sử dụng tài nguyên nước, phát triển rừng gắn với vấn đề sinh kế người dân, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu. 

"Tăng cường biện pháp cảnh báo, dự báo, phát huy tốt hơn cơ chế 4 tại chỗ mà trong thời gian vừa rồi các tỉnh đã ứng phó hiệu quả với 10 cơn bão, trong đó có những cơn bão lớn, có tính chất nguy hiểm", ông Hà nói.

Ông Trần Hồng Hà: Thiệt hại do mưa lũ một phần vì dự báo chưa chính xác - 1
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Q.H

Hàng loạt công trình giao thông đồng bằng sông Cửu Long "đứt đoạn"

Bà Nguyễn Thị Kim Bé - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, bày tỏ lo ngại trước tình trạng đầu tư hạ tầng công trình, dự án giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long đang trong cảnh "chắp vá".

Nữ đại biểu nêu ví dụ, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được Chính phủ khởi công nhưng tới giờ vẫn im hơi lặng tiếng; đường Hồ Chí Minh qua đồng bằng sông Cửu Long còn đoạn qua Ninh Thuận chưa đưa vào thông xe trong khi cả đoạn đã hoàn thành; đường hành lang ven biển kết nối các nước tiểu vùng sông Mê Kong, các nước đã đưa vào khai thác, còn đường qua Việt Nam đoạn qua Hà Tiên lại dời kế hoạch sau năm 2020…

"Đầu tư hạ tầng giao thông kiểu đứt đoạn như vậy có lãng phí hay không?", bà Bé nói.

Ngoài ra, theo bà Kim Bé, các dự án đầu tư hạ tầng bằng phương thức BOT cũng gây bức xúc trong người dân. "Đầu tư chắp vá đôi chút rồi lập trạm thu tiền của dân", bà nói và nêu thực tế, người dân trên Quốc lộ 80 chỉ đi vào đường BOT vài trăm mét cũng phải đóng vài chục nghìn đồng mới có thể xuống phà.

"Liệu có lợi ích nhóm ở đây không?', đại biểu Kim Bé đặt vấn đề và đề nghị, Chính phủ cần giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông, để khu đồng bằng sông Cửu Long kết nối với hạ tầng giao thông cả nước.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, cử tri hoan nghênh hội nghị thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua. Để tạo điều kiện cho khu vực này phát triển, ông Bình kiến nghị Chính phủ thành lập quỹ phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dành 2,5 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020.

Điều hành phiên thảo luận sáng 31/10, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 80 đại biểu bấm nút đăng đàn. Các ý kiến trên nghị trường trải rộng nhiều lĩnh vực, từ tăng trưởng kinh tế, nợ công, thu hút đầu tư nước ngoài, đến buôn lậu, trồng rừng...

Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội đầu kỳ họp cho biết, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao.

Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; xuất khẩu 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khống chế dưới 4%, lao động qua đào tạo 58-60%; dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%...

Thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ đánh giá rõ hơn chất lượng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Cơ quan này cũng lưu ý, các chính sách đưa ra cần tránh những rủi ro phát sinh như "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, bất động sản.

Theo Anh Minh - Võ Hải (VnExpress.net)

Nổi bật