Nếu không có lớp học này, những đứa trẻ bán vé số, lượm ve chai, mồ côi cha mẹ.... đến cái ăn, cái mặc còn chật vật ấy sẽ chẳng bao giờ dám ước mơ được cắp sách đến trường, được học con chữ như bạn bè cùng trang lứa…
Gieo chữ giữa xóm nghèo
Trót thương lấy cái vất vả, khờ dại của lũ trẻ ấy, hai vợ chồng thầy Đoàn Minh Hùng (60 tuổi), ngụ tại P. Tân Thới Hoà, quận 12 đã dùng gần hết số tiền dành dụm cả đời để duy trì lớp tình thương tại xóm nghèo suốt 5 năm qua.
Từ ngày lớp học này mở ra, giấc mơ đến trường của tụi nhóc bán vé số hay nhặt ve chai ở xóm nghèo ấy không còn là điều quá xa vời. Những đứa học trò không có đồng phục chỉnh tề, lớp học chẳng có bàn ghế khang trang nhưng vang vọng tiếng cười, tiếng ê a đánh vần, đếm số. Những điều này được đánh đổi bằng rất nhiều sự nỗ lực, kiên trì của vợ chồng thầy Hùng.
Hơn 100 đứa trẻ ở lớp học là hơn 100 hoàn cảnh khác nhau: Có em sinh ra đã không biết cha mẹ mình là ai, có em mắc bệnh hiểm nghèo, có em lại phải lao động từ lúc lên 5 tuổi để phụ giúp gia đình... Tất cả chỉ có một điểm chung đó là tương lai mơ hồ, vô định.
“Nếu để chúng bơ vơ không có định hướng thì có thể sẽ lạc lối, sẽ làm những điều xấu", thầy Hùng trăn trở. Quyết định dùng hết của cải, thời gian, sức lực ra để duy trì lớp học, dạy chữ, dạy điều hay lẽ phải cho những đứa trẻ nghèo cũng bắt đầu từ đó.
Từ ngày được đến lớp học, các em nhỏ đã bắt đầu nuôi những ước mơ cho riêng mình. Có em mơ làm bác sĩ, có em mơ làm cảnh sát, cũng có đứa chỉ ước lớn lên làm chủ tiệm tạp hoá... Uớc mơ dù lớn hay nhỏ đều là nền tảng để các em cố gắng.
Không chỉ lo cho cái chữ, thầy Hùng còn lo cho những học trò của mình từng miếng ăn, bởi “có thực mới vực được đạo”. Thầy Hùng kể: “Mấy tháng đầu chúng tôi chỉ dạy chữ cho tụi nhỏ. Nhưng một hôm để ý, tôi thấy mặt mày đứa nào cũng xanh xao. Tôi bèn hỏi thăm thì mới biết các em đi bán vé số, lượm ve chai cả ngày trời không ăn uống gì nên đến lớp bụng đói meo”. Từ hôm ấy, bà Chi - vợ thầy Hùng quyết định nấu món chay mỗi ngày cho tụi nhỏ ăn trước khi vào học.
Ông tiên giữa đời thực
Mở lớp học 0 đồng cho trẻ em nghèo, hai vợ chồng thầy Hùng từng nhận không ít trách móc từ gia đình. “Ba mẹ hai bên từng trách vợ chồng tôi sao mang hết tiền của làm lụng cả đời ra lo cho thiên hạ. Tôi thì cứ coi như mình làm ăn lỗ mất tiền, chẳng sao hết. Đổi lại, hai vợ chồng tôi chăm lo được cho tụi nhỏ. Sau này gia đình đã hiểu nên cũng ủng hộ”, thầy Hùng vừa nói vừa cười hiền, hệt như cách thầy đón đám trẻ đến lớp mỗi chiều.
Nhiều người cũng hỏi sao ông Hùng không dành thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng sự an nhàn khi con cái đã trưởng thành mà lại vất vả để gây dựng và duy trì lớp học. “Vì tôi thương tụi nhỏ quá chừng”, thầy Hùng trả lời nhẹ tênh.
Khoảng một năm gần đây, sức khoẻ của vợ chồng thầy Hùng suy giảm nhiều, phần vì tuổi đã cao, phần vì căn bệnh tiểu đường khiến thầy Hùng yếu đi khá nhiều. Thế nhưng, chẳng bao giờ thầy cô than vãn mệt mỏi. Bởi đơn giản, thầy cô chỉ cần nhìn thấy tụi nhỏ trưởng thành là bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến.
Thật may là trong suốt 5 năm qua, con đường mà vợ chồng thầy Hùng đi không đơn độc. Nhiều bạn trẻ là sinh viên lẫn đã đi làm, khi biết đến lớp học của thầy Hùng đều tìm đến để giúp sức dạy cho tụi nhỏ từng con số, nét chữ. Tất cả, cũng như thầy Hùng, đều mong muốn có thể chắp cánh những ước mơ cho lũ trẻ.
Tôi gọi thầy Hùng là ông tiên - người đã đem đến phép nhiệm màu cho tương lai của cả trăm đứa trẻ trong xóm nghèo này. Thế nhưng thầy cười bảo: “Trên đời chẳng có ông tiên, ông bụt nào đâu, cũng chẳng có phép nhiệm màu nào có thể thay đổi được tương lai của các em nhỏ. Có chăng đó là tình yêu thương mà chúng ta san sẻ cho nhau, giúp các em vững tin hơn vào cuộc sống. Giúp được tụi nhỏ, tôi thầy mình đáng sống lắm”.
Để cùng chung tay với H'Hen Niê - đại sứ cộng đồng của Grab - mang một mùa xuân ngập tràn niềm vui đến với những em nhỏ trong lớp học thầy Hùng, bạn chỉ cần mở ứng dụng Grab, vào mục GrabRewards, sau đó chọn quy đổi điểm sang các giá trị đóng góp mà bạn mong muốn (1.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng hoặc 50.000 đồng). Grab sẽ gửi tặng những phần quà Tết đến các hoàn cảnh còn khó khăn vào cuối tháng 1.
Theo Giang Phan Ninh (Tri Thức Trực Tuyến)