Sau khi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố ông Phí Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Vinaconex để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại doanh nghiệp này thì ông Bình đã có những phân trần trên báo giới. Ông cho rằng, việc đường ống của Vinaconex bị vỡ tới 19 lần là do lắp đặt chứ không phải do chất lượng đường ống.
Lỗi của ai
Trả lời báo điện tử VNExpress.net, ông Phí Thái Bình cho rằng: “Khi đầu tư nhà máy nước sông Đà, chúng tôi suy nghĩ cần xây dựng nhà máy thiết bị vật tư để không lệ thuộc vào nước ngoài. Dự án sử dụng ống sợi thủy tinh giúp tiết kiệm được 48 tỉ đồng so với ống gang. Quan điểm của tôi, ống cốt sợi thuỷ tinh không có tội, công nghệ không có lỗi mà do quá trình sản xuất có đúng theo yêu cầu không… Tôi cho rằng, nếu lắp đặt đúng thì sẽ không xảy ra vỡ.
Một lần xử lý sự cố vỡ ống nước sạch Sông Đà. Ảnh: P.V |
Qua thống kê thấy rằng có 20 ống vỡ được sản xuất những năm 2007 - 2008, trong khi những ống sản xuất từ tháng 1.2005 đến tháng 12.2006 chưa xảy ra vỡ ống nào. Cũng cần phải đặt ra câu hỏi, tại sao 54 dự án sử dụng ống cốt sợi thuỷ tinh của nhà máy sản xuất Vinaconex trong nhiều năm qua, trong đó có 4 nhà máy thuỷ điện đã sử dụng để dẫn nước mà không bị vỡ, nhiều công trình có áp lực nước lớn gấp đôi đường ống nước sông Đà”.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) đã trao đổi với báo chí hồi năm ngoái: “Bên cạnh chất lượng đường ống nước, nguyên nhân vỡ ống nước lần này do trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống. Lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của tuyến ống như: Việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long có tác động bất lợi lên đường ống; việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian (trong khi không có kết quả thí nghiệm chứng minh độ bền lâu của vật liệu chế tạo ống)”.
Tiết lộ bất ngờ
Trao đổi với PV chiều 24.5.2017, về câu hỏi “ống thép cốt sợi thủy tinh là sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến, thay cho loại ống gang đã lỗi thời. Vậy, tại sao trong quá trình sử dụng, đã liên tiếp xảy ra sự cố đáng tiếc với hàng chục lần vỡ ống nước, lại chỉ tập trung ở đoạn khoảng 5km”, ông Nguyễn Duy Khang - Chủ nhiệm đồ án thiết kế dự án cấp nước - Nguyên Giám đốc Cty CP Tư vấn xây dựng Vinaconex cho biết: “Khi lần đầu ứng dụng khoa học công nghệ, thì xác suất rủi ro xảy ra là khó tránh khỏi và nên được xem là “có thể được phép” trong một chừng mực nhất định.
Các đường ống và các phụ kiện đi kèm được sản xuất bán thủ công. Nếu dự đoán nguyên nhân thì có thể có nhiều, có thể do trong quá trình sản xuất, người thợ hàn đổ nguyên liệu không chuẩn. Tại thời điểm thử nghiệm, ống đạt tiêu chuẩn nhưng sau quá trình sử dụng sẽ bị xuống cấp và xảy ra sự cố; cũng có thể trong quá trình vận chuyển, ống bị va đập và bị rạn nứt mà mắt thường không thể thấy được.
Cũng có thể trong quá trình lắp đặt, khi dầm đất, có một hòn đá nhỏ bị chèn vào gây rạn… Nói chung, rất nhiều nguyên nhân có thể xảy ra. Đây là sự cố đáng tiếc không mong muốn. Khi sản xuất, thi công là do con người thực hiện, mà đã là con người là có thể không hoàn hảo, có thể có sơ suất, nhất là trong điều kiện ứng dụng công nghệ mới”.
Tuy nhiên, ông Khang cũng thừa nhận việc 5km liên tục xảy ra sự cố vỡ ống nước, đã không được cắt ra kiểm tra áp lực như quy định, do để “rút ngắn quy trình” nhằm giảm chi phí… “Theo quy định, sẽ phải cắt các ống nước ra thử áp lực, nhưng cũng bởi tại thời điểm đó, sau 8 tháng chạy thử cấp nước cho người dân thủ đô và thấy trơn tru, vả lại nếu cắt ra để thử nghiệm, nghĩa là phải cắt nước sạch của người dân 1 tuần, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân thủ đô, nên chúng tôi đã không cắt ống để thử áp lực.
Hơn nữa, để đảm bảo cấp nước nếu chẳng may đường ống bị vỡ, thì phải có trạm bơm tăng cáp dự phòng, nhưng tại thời điểm đó chúng tôi chưa xây dựng. Cho đến thời điểm này, trạm bơm tăng áp vẫn chưa được xây và UBND TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu triển khai xây trạm bơm này để đảm bảo cấp nước cho dân nếu chẳng may xảy ra sự cố vỡ ống nước”.
Theo Khánh Vũ (Lao Động)