* Thông tin trên Đài Al Jareeza (Qatar) nêu việc ông có quốc tịch Cyprus, việc này có hay không?
- Tôi có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, quốc tịch này do gia đình tôi bảo lãnh, thông tin về việc tôi mua quốc tịch thứ hai là không chính xác.
* Vậy việc có quốc tịch thứ hai của ông diễn ra trong hoàn cảnh nào? Trong khi thời điểm ứng cử ĐBQH khóa XIV năm 2016, trong lý lịch của ông không xuất hiện thông tin này?
- Thời điểm ứng cử ĐBQH (tháng 5-2016), tôi chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân nên năm 2018 tôi đã hai lần làm đơn trình bày nguyện vọng xin thôi nhiệm vụ công tác (khi đang là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - PV), chuyển đến Thành ủy, UBND TP.HCM.
Khi biết tôi có làm đơn xin thôi nhiệm vụ, giữa năm 2018 gia đình tôi (vợ và con tôi đã có quốc tịch Cyprus trước đó) đã đề nghị với tôi và thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cyprus cho tôi để tương lai khi tôi được nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.
Tôi khẳng định việc tôi có quốc tịch Cyprus là do gia đình bảo lãnh, hoàn toàn không có việc "mua quốc tịch" với giá 2,5 triệu USD.
* Vợ và con ông có quốc tịch Cyprus vào thời điểm nào? Được biết để có quốc tịch Cyprus đòi hỏi phải có một khoản đầu tư khá lớn, hàng triệu USD?
- Vợ và con trai tôi đều là những doanh nhân. Con trai tôi học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài.
Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus.
* Đến thời điểm này ông đã có báo cáo gì với tổ chức, cơ quan quản lý về việc mình có quốc tịch thứ hai?
- Tôi đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Theo Viễn Sự (Tuổi Trẻ)