Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội

03/11/2020 18:29:47

Ngày 3-11, Quốc hội đã tiến hành quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, đại biểu thuộc đoàn TP HCM.

Theo đó, Quốc hội đã bỏ phiếu và biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. Ban kiểm phiếu gồm 11 thành viên, lập biên bản, xác nhận kết quả bỏ phiếu.

Theo kết quả từ Ban kiểm phiếu, có 471/482 đại biểu Quốc hội có mặt thực hiện việc bỏ phiếu. Trong đó có 470/471 phiếu hợp lệ. Kết quả biểu quyết có 467 phiếu (96,8% tổng số Đại biểu Quốc hội khoá XIV) đồng ý bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc. Có 3 phiếu không đồng ý (0,62%).

Như vậy, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khoá XIV đối với ông Phạm Phú Quốc. Nghị quyết bãi nhiệm cũng đã được Quốc hội thông qua ngay sau đó.

Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội
Quốc hội chính thức bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc

Trước đó vào chiều 2-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc, sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hoá Síp và đã có quốc tịch Cộng hoà Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội.

Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc, theo nhận định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và nhân dân, khiến uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút. Cử tri, nhân dân, thông qua Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.

Trước đó, trong báo cáo giải trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc đã nhận thấy khuyết điểm, thiếu sót của bản thân làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và tự nhận thấy bản thân không còn đủ tư cách của người đại biểu Quốc hội không xứng đáng với sự tin tưởng của tổ chức.

Ông Quốc là đại biểu thứ hai của Quốc hội khóa 14 có hai quốc tịch. Hồi đầu nhiệm kỳ, Hội đồng bầu cử quốc gia đã không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do có hai quốc tịch (vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam).

Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết, chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Đại biểu Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cyprus.

Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV. Ngày 4/12/2019, ông Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Quốc trúng cử đại biểu Quốc hội lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 4, gồm các quận 5, 10, 11 (TP HCM).

HP (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật