Ông Nguyễn Xuân Anh là cán bộ trẻ nhưng đã vi phạm nghiêm trọng "phải kỉ luật thích đáng"

19/09/2017 15:30:00

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã có trao đổi xung quanh kết luận vi phạm của Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã có trao đổi xung quanh kết luận vi phạm của Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp, xem xét và kết luận đối với vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật. Ông đánh giá như thế nào về kết luận này?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi cho rằng, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là dấu hiệu tích cực và việc cơ quan kiểm tra của Đảng vào cuộc làm rõ là siết chặt kỷ cương, kỷ luật Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa XII.

Trên tinh thần siết chặt kỷ cương, trong khóa 12 này đã kỷ luật 1 Ủy viên Bộ Chính trị và nay xem xét xử lý một Ủy viên Trung ương là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Chủ tịch UBND thành phố này, điều đó cho thấy quyết tâm rất cao của Trung ương, Bộ Chính trị.

Điều này cho thấy siết chặt kỷ luật Đảng, không có vùng cấm và cũng khắc phục được tình trạng trước đây như Nghị quyết Trung ương 4 có nhận định trong kỷ luật "nhẹ trên nặng dưới", bây giờ mình đã khắc phục được.

Có điều từ trường hợp Bí thư Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ tôi cũng có thoáng buồn bởi cứ mỗi lần Ủy ban kiểm tra Trung ương công bố kết luận là lại có một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp bị xử lý.

Qua đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh, lựa chọn cán bộ ở các thành phố trực thuộc trung ương, các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm là rất quan trọng, kỹ càng không thể hời hợt, do vậy, việc cả Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng đều bị xem xét kỷ luật cho thấy bài học rất về công tác cán bộ, tránh lặp lại.

Ông Nguyễn Xuân Anh là cán bộ trẻ nhưng đã vi phạm nghiêm trọng phải kỉ luật thích đáng - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: Báo đại đoàn kết.

Phải có hình thức kỷ luật thích đáng

Cụ thể, trong trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh là có vi phạm trong kê khai bằng cấp trước khi được bầu làm Ủy viên Trung ương, Bí thư Thành ủy. Như vậy, có phải do công tác cán bộ chưa chặt chẽ?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Về ông Nguyễn Xuân Anh thì đã sai phạm từ trước chứ không phải bây giờ mới sai phạm.

Cụ thể, việc kê khai bằng cấp đã thiếu trung thực từ lúc được đưa vào quy hoạch cán bộ, Ủy viên Trung ương và sau khi làm Ủy viên Trung ương, Bí thư Thành ủy thì lại lợi dụng chức vụ để làm những điều vi phạm như sử dụng xe, nhà do doanh nghiệp biếu tặng.

Ông Nguyễn Xuân Anh còn là cán bộ rất trẻ nhưng đã vi phạm vào những điều nghiêm trọng như vậy thì chắc chắn nghiêm túc nhận thức về việc này, chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng và phải có hình thức kỷ luật thích đáng

Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh thì Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ trước khi đưa ông vào diện quy hoạch vào Trung ương, đảm nhiệm Bí thư Thành ủy đã có lựa chọn không chính xác.

Sau đó, các cơ quan ở Trung ương làm công tác chuẩn bị nhân sự, tiểu ban nhân sự của Đại hội Đảng khóa 12 cũng đã chưa thực sự làm hết trách nhiệm.

Ngoài ra, cũng cần thấy, việc phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm của các tổ chức đảng ở địa phương đối với hai ông Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ chưa thực sự tốt và phải đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc mới rõ ràng.

Tuy nhiên, việc đánh giá con người, cán bộ thực sự rất khó bởi có thể lúc đưa vào quy hoach, lựa chọn bổ nhiệm chưa thấy bộc lộ vấn đề nhưng sau khi đảm nhiệm chức vụ rồi mới thấy bộc lộ các sai phạm nên qua đây phải nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm.

Chúng ta hay nói nhiều đến việc cần rút kinh nghiệm và Đảng cũng đã đưa ra nhiều quy định về việc quy hoạch, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ nhưng thực tế vẫn có rất nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng.

Vậy, theo ông, từ vụ việc ở Đà Nẵng này, điều quan trọng nhất chúng ta cần làm để khắc phục các kẽ hở về công tác cán bộ?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, việc quy hoạch cán bộ vừa rồi ở Đại hội XII thực hiện, cụ thể, tiến hành bỏ phiếu từ dưới lên, từ nơi anh sinh sống, làm việc chính là cách tốt nhất, có thể thu thập được đầy đủ nguồn thông tin và từ đó, có đánh giá cán bộ đúng đắn.

Từ đánh giá khách quan, công tâm, tránh chủ quan đối với cán bộ sẽ đến bước quy hoạch vào các vị trí, chức vụ lãnh đạo.

Sau khi quy hoạch thì sẽ phải đào tạo, bồi dưỡng xem anh còn thiếu về các vấn đề gì, ví như: học vấn, chính trị, các chuẩn mực cần phải đạt tới... Tiếp đến mới đi vào bầu cử, bổ nhiệm các chức danh.

Mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.

Những tiêu chuẩn, tiêu chí ấy là cơ sở pháp lý quan trọng để đánh giá lại cán bộ, trên cơ sở đó xử lý cán bộ một cách nghiêm túc.

Như vậy với quyết tâm chính trị, cách làm bài bản, nghiêm túc như vậy tôi tin chúng ta xử lý kịp thời những vi phạm trong đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Điều 21 Quy định số 181-QĐ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm cũng đã nêu rõ hình thức xử lý với vi phạm về sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

Cụ thể, Khoản 1 nêu rõ: Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

Nhận và sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp. Công chứng, chứng thực, xác nhận văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận trái quy định của pháp luật.

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm cấp phát, chứng nhận bản sao hoặc xác nhận tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đã cấp.

Không lập hoặc lập không đầy đủ hồ sơ theo quy định làm căn cứ để cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận.

Kê khai không đúng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận. Có trách nhiệm quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ nhưng thiếu trách nhiệm để người khác lợi dụng sử dụng làm văn bằng, chứng chỉ giả.

Không chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm trong việc quyết định cấp, xác nhận, công chứng hoặc mua văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp thuộc thẩm quyền của mình.

Khoản 2: Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

Xin, mua, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, lý luận, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc để được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước.

Can thiệp đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, không đúng đối tượng.

Làm giả hoặc cố ý sửa chữa, bổ sung, xác nhận sai sự thật làm sai lệch hồ sơ để cấp có thẩm quyền cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; sửa chữa, bổ sung làm sai lệch các nội dung trong văn bằng, chứng chỉ phục vụ cho hành vi trái pháp luật.

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)