Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố đã chọn “nơi khó nhất, nan giải nhất” để bắt đầu thực hiện Nghị quyết, đó là Văn phòng UBND TP.
Đoàn công tác do Trưởng ban tổ chức trung ương Phạm Minh Chính làm việc với Hà Nội chiều 10/12. Ảnh: Võ Hải. |
Ông Chung lý giải, gọi là “nơi khó khăn” vì có dư luận cho rằng Văn phòng UBND TP "có nhiều con, cháu và chuyên viên văn phòng thậm chí to còn to hơn giám đốc các sở, ngành…".
“Sau 3 tháng thực hiện, Văn phòng UBND thành phố từ 15 phòng giảm xuống 9 phòng. Việc giảm đầu mối làm thừa 6 trưởng phòng, 28 phó phòng. Thành phố đưa ra cơ chế và đạt được đồng thuận: Trưởng phòng xuống Phó phòng thứ nhất; phó phòng được giữ nguyên chức vụ, nguyên lương, nhưng không tham gia điều hành công việc. Kết quả sắp xếp lại bộ máy lan tỏa từ Văn phòng UBND đến các đơn vị khác nên việc tiếp tục triển khai thuận lợi hơn”, Chủ tịch Hà Nội thông tin.
Ông Chung cho hay, quá trình thực hiện ông đã nhiều lần đối thoại với các lãnh đạo văn phòng, lãnh đạo các Sở, ngành vì ai cũng muốn bảo vệ quyền lợi sát sườn của mình. Tuy nhiên, "đến giờ phút này tôi không nhận được đơn thư nào liên quan đến sắp xếp bộ máy".
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, kiêm nhiệm chức vụ cũng là một giải pháp giảm biên chế. Thành phố đã thí điểm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận, huyện tại một quận và một huyện; thí điểm Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tại 18 đơn vị. Thành phố cũng kiến nghị nhất thể hóa một số chức danh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Chính cho rằng, dù sắp xếp lại bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế là công việc rất khó khăn và “nhạy cảm” nhưng nhờ cách làm sáng tạo, đúng hướng nên quá trình triển khai Hà Nội có sự ủng hộ, đồng tình cao của cán bộ, công chức, kể cả những cán bộ trong diện sắp xếp lại. "Kết quả đạt được của Hà Nội đến nay là rất ấn tượng, không chỉ về số lượng, động lực và hiệu quả vận hành của bộ máy hành chính, chính quyền sau sắp xếp, kiện toàn đều tốt hơn hẳn", ông Chính nói.
Dù vậy ông Chính cho rằng, Hà Nội cũng đang gặp không ít khó khăn, nhất là việc kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp vẫn chưa thực sự rõ nét.
Ông Phạm Minh Chính đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết tâm thực hiện Nghị quyết 39 hiệu quả hơn nữa, nguyên tắc là phải giảm đầu mối, tránh tình trạng xóa đi rồi lập lại khiến nhân dân bức xúc. Cùng đó, thành phố phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, chuyển mạnh sang hình thức xã hội hóa, tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước.
Tiếp thu ý kiến đoàn công tác, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, với đặc thù Hà Nội sau khi sát nhập có số lượng đầu mối rất lớn, Nghị quyết 39 là động lực để thành phố quyết tâm hơn trong sắp xếp lại bộ máy hiệu quả.
“Vừa qua Hà Nội đã làm rất tốt nhưng tới đây thực hiện ở quy mô lớn hơn, số đầu mối giảm nhiều hơn thì tâm tư của cán bộ công chức cũng sẽ phức tạp hơn, do đó công tác tư tưởng có vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công khi thực hiện chủ trương này”, ông Hải nói.
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 39, Phó bí thư thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, Hà Nội đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 Trưởng phòng, ban; 143 Phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; giảm 27 Ban Quản lý dự án, 2 Quỹ, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban Quản lý dự án và Quỹ. Vấn đề tinh giản biên chế: Khối các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội dự kiến hết năm 2017 giảm 69 biên chế. Khối cơ quan chính quyền giảm 704 hợp đồng có chỉ tiêu đã tồn tại nhiều năm, giải quyết 159 trường hợp theo Nghị định 108. Năm 2016 giảm 1,5% biên chế công chức được giao, đối với viên chức kiên quyết không tăng biên chế, chỉ tăng lĩnh vực y tế, giáo dục theo mức quy định của Trung ương. |