Ngày 25/12, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, ông Lê Nguyễn Minh Quang đã bác bỏ thông tin UBND TP HCM tạm đình chỉ chức vụ của mình. Ông Quang khẳng định: "Tôi chưa nhận được văn bản nào hết, mà cũng có đâu mà nhận".
Đề cập đến vấn đề xin nghỉ việc, ông Quang cho biết có lý do cá nhân, nhưng chưa nhận được quyết định chính thức. Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cũng thông tin thành phố chưa có phản hồi về đơn xin nghỉ việc nên ông vẫn tiếp tục làm việc bình thường.
Ông này cho biết sáng mai (26/12) Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM sẽ tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của đơn vị.
Ngoài ra, ông Hoàng Như Cương (Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM) cũng đã nghỉ phép xin đi Mỹ vì lý do cá nhân khi chưa được chấp thuận của UBND thành phố.
Ngoài ra, ông Dương Hữu Hòa (Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, giám đốc Ban Quản lý dự án 1) đã nộp đơn xin nghỉ việc từ năm 2017 với lý do phải đi chữa bệnh, sức khỏe kém. Do chưa được đồng ý, ông Hòa vẫn đi làm bình thường đến nay.
Điều chỉnh dự án metro sai thẩm quyền
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tám (Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM) xác nhận thông tin tường vây đường hầm metro số 1 đã thay đổi so với thiết kế so với ban đầu với bề dài từ 2m xuống 1,5m.
Vị Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết các cơ quan chức năng liên quan đã thuê đơn vị tư vấn độc lập để thẩm tra và đưa ra giải pháp để đảm bảo an toàn.
Kiểm toán Nhà nước cho biết vừa có báo cáo kết quả về dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Báo cáo cho rằng việc điều chỉnh dự án metro chưa tuân thủ đúng thủ tục, thẩm quyền khu mức đầu tư lên đến 47.325 tỷ đồng.
Theo quy định, khi tuyến metro đội vốn như trên (lớn hơn 35.000 tỷ đồng) thì đã trở thành dự án trọng điểm quốc gia, phải trình dự án cho Quốc hội xem xét, thủ tướng có thẩm quyền quyết định. Ngoài ra, việc UBND TP phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 là không đúng thẩm quyền.
Đặc biệt, báo cáo của kiếm toán nhà nước thể hiện, trong một quyết định ban hành năm 2014, ông Hoàng Như Cương đã phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án là trái quy định bởi đây là dự án thuộc công trình quan trọng quốc gia.
Về tổng mức đầu tư, Kiểm toán Nhà nước khẳng định do hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ, nhiều hạng mục công trình còn có khoảng 60% giá trị, chưa đảm bảo cơ sở để xác định giá trị tính toán. Việc điều chỉnh kiểu dáng dầm làm tăng giá trị công trình lên 1.420 tỷ đồng, không đảm bảo tính kinh tế và chưa phù hợp nguyên tắc.
Bên cạnh đó, các thiết bị vật tư nhập từ Nhật Bản chưa đảm bảo căn cứ pháp lý. Một số thiết bị nhập khẩu tính toán trong dự toán cao hơn nhiều so với giá dự thầu của 3 nhà thầu. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra thêm một số nguyên nhân chính khiến metro Bến Thành - Suối Tiên bị đội vốn như giá nguyên vật liệu, tăng lưu lượng khách.
Công chức xuất ngoại trái phép bị xử lý như thế nào?
Liên quan vấn đề quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND vào ngày cuối tháng 4/2018.
Hồi giữa tháng 12, UBND TP HCM cũng ban hành công văn cấm công chức không xuất ngoại, trừ các trường hợp đặc biệt do người đứng đầu UBND TP quyết định. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời xem xét trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan.
Cụ thể, công chức viên chức đi nước ngoài, cán bộ lãnh đạo hàng giám đốc, phó giám đốc sở, người đứng đầu và cấp phó các cơ quan ngang Sở do thành phố quản lý theo thẩm quyền, nếu muốn đi nước ngoài phải làm hồ sơ trình Chủ tịch UBND TP HCM xem xét, quyết định.
Trước khi người đứng đầu UBND TP HCM ký quyết định, hồ sơ được Văn phòng UBND TP, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, Công an TP… phối hợp rà soát, thẩm định. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, được sự cho phép của cấp có thẩm quyền thì cán bộ lãnh đạo mới được đi nước ngoài .
Riêng Công an thành phố có trách nhiệm thẩm tra, xác minh và có ý kiến về mặt an ninh đối với các trường hợp đi nước ngoài về việc riêng và các trường hợp khác theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Trong trường hợp ông Hoàng Như Cương xuất ngoại trái quy định, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả nhằm tiến hành rà soát, kiểm tra và Thường vụ Thành ủy sẽ có hướng xử lý về mặt Đảng (có thể khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ).
UBND TP cũng sẽ có hướng xử lý tương ứng, theo các mức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc. Nếu liên quan trách nhiệm hình sự, đối với các quốc gia hợp tác về tư pháp, người vi phạm có thể bị dẫn độ về nước để xử lý trách nhiệm.
Bất thường "đội vốn" tuyến metro
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Hiện, công trình đã hoàn thành hơn 57% khối lượng công việc, tuy nhiên có nguy cơ ngừng thi công do tình trạng thiếu vốn do những rắc rối vốn đầu tư.
Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Hồi năm 2007, thành phố phê duyệt dự án metro số 1 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng. Sau đó dự án, được chuyển giao cho Ban quản lý đường sắt đô thi làm chủ đầu tư.
Hồi năm 2009, đơn vị này chọn nhà thầu cùng với việc làm rõ thiết kế cơ sở dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của dự án lên là 47.325 tỷ đồng, phải trình dự án cho Quốc hội. TP HCM đã phải liên tục tạm ứng ngân sách để thanh toán cho nhà thầu thi công nhằm bảo đảm tuyến Metro số 1 duy trì được tiến độ thi công, hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Theo Bảo Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)