“Chuyện sau khi văn bản ban hành phải thu hồi, Tổng Cục trưởng lại giải thích lý do là “dùng sai câu từ”, đã bộc lộ sự thiếu bản lĩnh của chính khách” - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói về việc Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thanh minh chuyện “lỗi” trong văn bản yêu cầu xử lý phát ngôn của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Văn bản ban hành ngày 2/6 của Bộ khi đó được cho là sai thẩm quyền khi cơ quan quản lý nhà nước lại “đòi” xử lý Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về những phát ngôn của ông này xunh quanh bản quy hoạch bán đảo Sơn Trà.
Là người trực tiếp soạn thảo, tham mưu để Thứ trưởng Bộ Văn hóa ký văn bản đó, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Trần Văn Tuấn nhận sai sót trong việc “dùng câu từ trong văn bản” khi thể hiện lại ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khiến dư luận hiểu nhầm. Ông Tuấn nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa về công văn đó.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Câu chuyện của Sơn Trà vừa qua nói lên nhiều điều, không riêng gì với bán đảo xinh đẹp của Đà Nẵng mà là câu chuyện của cả ngành du lịch". |
Nhận xét về sự việc, đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ, ông nhận thấy dường như lãnh đạo các cơ quan quản lý trong bộ máy nhà nước đang thiếu “tư duy dự trữ, dự phòng”. Mọi quyết định, hành động đưa ra vẫn cho thấy một tư duy nhiệm kỳ nổi lên chủ đạo.
“Nhiệm kỳ nào, các lãnh đạo cũng đều nhắm khai thác cho hết nguồn lực đang có để lấy thành tích cho địa phương, cho ngành, lĩnh vực của mình mình. Trong khi ở các nước, việc này bao giờ cũng được dành lại một không gian dự trù” – ông Quốc cảnh báo, giữ mãi tư duy nhiệm kỳ như thế, sẽ không còn gì giữ lại cho tương lai nữa, đặc biệt là với du lịch.
Theo ông, nguồn lực cho ngành công nghiệp không khói này phải biết khai thác vào đúng thời điểm thích hợp.
Ông Quốc cảnh báo, câu chuyện của Sơn Trà vừa qua nói lên nhiều điều, không riêng gì với bán đảo xinh đẹp của Đà Nẵng mà là câu chuyện của cả ngành du lịch và nhiều ngành khác nữa..
Về chuyện sai sót phải thu hồi văn bản của Bộ Văn hóa, ông Quốc thẳng thắn: “Chuyện sau khi văn bản ban hành phải thu hồi, Tổng Cục trưởng lại giải thích lý do là “dùng sai câu từ” đã bộc lộ sự thiếu bản lĩnh của chính khách”.
“Đã sai thì anh nhận sai rồi sửa chứ có gì đâu. Khi lãnh đạo Bộ, Tổng Cục đã nhận lỗi, xin lỗi, ta cũng nên chấp nhận, bỏ qua nhưng vấn đề quan trọng phải xem là việc sửa lỗi như thế nào” - ông Quốc nêu quan điểm.
Trong chuyện này, dư luận nhìn vào, đánh giá ở cả khía cạnh đạo lý chứ không chỉ về pháp lý. Đạo lý chi phối mọi mặt đời sống xã hội để mỗi người biết xấu hổ mà lượng, mà tránh trong hành xử của mình. Theo đó, cũng như lịch sử xưa, các quan lại như Nguyễn Công Trứ, lúc làm đến chức Thượng thư nhưng phạm lỗi thì phải chịu, trở thành một người đi hiệu lệnh. Ngày nay, làm “quan” cũng phải chấp nhận việc “có công được thưởng, có tội phải chịu”.
“Bây giờ tôi thấy ai cũng muốn an toàn, cũng luôn tính đường thoát hiểm nên luôn ngại, muốn né tránh, không dám nhận trách nhiệm vì sợ một cú “phốt” có thể làm thay đổi vị trí đang đảm nhiệm” – ông Quốc cho rằng phải xóa bỏ tư duy nặng nề về việc đó để quan chức có thể khảng khái trong hành xử.
Theo P.T (Dân Trí)