Ông Đoàn Ngọc Hải khẳng định: Hai bậc tam cấp chiếm vỉa hè bị tháo dỡ tại nhà hát Công Nhân là do làm thêm sau này. Nguyên thủy chỉ có 3 bậc.
Tối 22/3, ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo tháo dỡ 2 bậc thềm của nhà hát Công Nhân lấn chiếm vỉa hè 0,5m |
Trao đổi với PV VietNamNet hôm nay, ông Đoàn Ngọc Hải khẳng định: "Hai bậc tam cấp chiếm vỉa hè mà tôi yêu cầu tháo dỡ tại nhà hát Công Nhân là do làm thêm sau này. Nguyên thủy chỉ có 3 bậc mà thôi".
Phó chủ tịch UBND quận 1 cho hay ông đã căn cứ vào lộ giới và tư liệu hình ảnh của rạp hát trước đây để xử lý sai phạm.
"Tôi làm đúng theo quy định và phía nhà hát cũng không có ý kiến gì. Trừ công trình nằm trong diện bảo tồn, còn các công trình không thuộc diện này nếu lấn chiếm vỉa hè đều phải buộc tháo dỡ" - ông khẳng định.
Hai bậc thềm sau khi tháo dỡ phía nhà hát Công Nhân đã cho láng bê tông và trở thành nơi đậu xe máy. Vỉa hè trở nên thông thoáng cho người đi bộ |
Rạp Nguyễn Văn Hảo trên tạp chí Life, trước khi đổi tên thành nhà hát Công Nhân |
Chúng tôi đã tìm lại hình ảnh xưa của rạp hát Nguyễn Văn Hảo, do người nước ngoài chụp và đối chiếu với hiện tại, thì thấy đúng là rạp hát có 3 bậc thềm chính. Nếu tính luôn bậc thềm sát mặt đường thì hiện trạng ban đầu có 4 bậc. Có thể khẳng định sau khi ông Đoàn Ngọc Hải cho tháo dỡ 2 bậc thềm, rạp Công Nhân đã gần như trở về nguyên trạng ban đầu.
Nhà hát trăm tuổi trong diện cải tạo
Theo tìm hiểu của PV, nhà hát Công Nhân (tại số 30 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) được xây dựng từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Đây là một trong những công trình kiến trúc, văn hóa và lịch sử của TP.HCM. Nhà hát có công năng phục vụ biểu diễn đa năng như sân khấu, chiếu phim... Với 3 tầng khán phòng và sức chứa hơn 1,200 khách, đây từng được mệnh danh là “thánh đường cải lương".
Trong năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có kế hoạch đề xuất cải tạo nhà hát Công Nhân.
Qua đó, UBND TP.HCM đã giao công ty cổ phần Tập đoàn C.T nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư cải tạo, xây dựng mới công trình văn hóa tại nhà hát Công Nhân cùng với rạp Lao Động A-B theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT) từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp.
Theo Tuấn Kiệt (VietNamNet)