Thông tin trên báo Dân Trí cho hay, ngày 2/6, trước khi bị kỷ luật, bắt tạm giam vài ngày, ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) đã ký bổ nhiệm hàng loạt lãnh đạo ở các sở, phòng… của UBND TP.
Các quyết định này gồm: Quyết định 1855/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Cù Ngọc Trang (38 tuổi), phụ trách Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội.
Quyết định 1868/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sáng (51 tuổi), Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài chính.
Quyết định 1869/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Vũ Trung Thành (50 tuổi), Chánh Văn phòng Sở Tài chính TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài chính.
Quyết định 1886/QĐ-UBND bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (44 tuổi), Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Sở Ngoại vụ TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ.
Quyết định 1888/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Nguyễn Danh Toàn (34 tuổi), Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội giữ chức Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội.
Quyết định 1889/QĐ-UBND bổ nhiệm ông Mai Xuân Trường (41 tuổi), Trưởng phòng Tổ chức biên chế, Sở Nội vụ TP Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ.
Chiều ngày 7/6, HĐND TP Hà Nội họp chuyên đề về công tác nhân sự, 100% đại biểu có mặt biểu quyết bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh.
Chiều tối cùng ngày, CQĐT tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh để điều tra vì liên quan đến vụ Việt Á.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, về nguyên tắc, khi ông Chu Ngọc Anh chưa bị bãi nhiệm chức Chủ tịch UBND TP thì vẫn có toàn quyền thực hiện công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền.
Trường hợp quyết định bổ nhiệm cán bộ được ban hành vào thời điểm mà ông Chu Ngọc Anh đã bị kỷ luật, bị miễn nhiệm, cách chức, nhưng vẫn ký văn bản thì văn bản đó mới không có hiệu lực pháp luật.
Bởi vậy các quyết định hành chính mà ông Chu Ngọc Anh ban hành trước khi bị cách chức, miễn nhiệm, hoặc buộc thôi việc vẫn có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, những văn bản ban hành ở những thời điểm nhạy cảm như trên mà có khiếu kiện, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ việc bổ nhiệm và ban hành các quyết định hành chính ở thời điểm đó có đảm bảo thủ tục, điều kiện theo quy định pháp luật hay không.
Trường hợp việc bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, không đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định pháp luật thì quyết định bổ nhiệm đó sẽ bị hủy bỏ.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong quá trình giải quyết các khiếu nại, kiến nghị có liên quan.
Trường hợp không có khiếu kiện, nhưng quá trình thanh tra, kiểm tra cũng như qua phản ánh từ báo chí, dư luận, nếu thấy có bất thường, cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra xem việc bổ nhiệm như vậy có đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn và theo trình tự thủ tục luật định hay không.
Theo T.Nhung (VietNamNet)