Oan thấu trời: Bỏ xứ ra đi vì bị nghi bán tạng con kiếm tiền

28/02/2017 07:19:00

Bác sĩ Thu chia sẻ, có người mẹ sau khi hiến tạng con trai, người thân giận dữ đã không cho phép bà mang xác con vào nhà. Bà phải dựng cái chòi nhỏ ngoài đồng để làm đám tang cho con. 

Bác sĩ Thu chia sẻ, có người mẹ sau khi hiến tạng con trai, người thân giận dữ đã không cho phép bà mang xác con vào nhà. Bà phải dựng cái chòi nhỏ ngoài đồng để làm đám tang cho con. 

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng (BV Chợ rẫy TP.HCM), vẫn nhớ rõ trường hợp hiến tạng đầu tiên của người thân sau khi chết não. 

Năm 2010, một tai nạn giao thông đã khiến người phụ nữ bị chấn thương sọ não rất nặng. Khi đó, bà ẵm cháu nội đi bộ băng qua đường thì bị xe tông phải. Đứa trẻ tử vong tại chỗ, bà được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. 

Hai người con, sau khi được bác sĩ Thu vận động, đã đồng ý hiến tạng nhân đạo vì khi còn sống người mẹ đó - vốn là một bác sĩ, vẫn thường xuyên làm từ thiện.

Hiến tạng, ghép thận, ghép gan, bệnh viện, bác sĩ
Bác sĩ Thu đang trò chuyện với bệnh nhân sau khi ghép thận.

“Cô gái trẻ nói rằng, mẹ cô qua đời, cô tin là mẹ cũng muốn hiến tạng như là một việc thiện để cứu người khác”, bác sĩ Thu bồi hồi nhớ lại. 

Ở giây phút đau thương như thế, người nhà bệnh nhân đã có một quyết định đầy tình người, dù họ không biết người nhận là ai, ở đâu.

Bác sĩ Thu cũng không thể quên trường hợp hiến tạng tại Bệnh viện 30/4, vào đúng ngày Quốc khánh 2/9. 

Hôm đó là ngày nghỉ, chị đang ở nhà thì nhận được điện thoại của điều dưỡng trưởng Bệnh viện 30/4 thông báo có bệnh nhân chết não, đồng ý hiến tạng.  

Sau khi tiếp nhận thông tin, bác sĩ Thu lập tức lao ra khỏi nhà vì tình hình bệnh nhân rất nặng, các bác sĩ đang phải hồi sức. Thời gian quá gấp rút, nếu không nhanh chóng thì cơ hội nhận tạng hiến quý giá này sẽ mất đi. 

Bác sĩ Thu liên lạc phía Bệnh viện Chợ Rẫy để huy động người, còn mình thì đến Bệnh viện 30/4 để khảo sát tình hình. Khi đến nơi, một cảnh tượng khiến chị sững sờ. Theo đó, mọi người đang nhồi tim tại chỗ cho bệnh nhân để chờ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, cả người nhà của bệnh nhân cũng tham gia nhồi tim.

“Trước tình huống này, chúng tôi từ chối là không được nhưng nếu làm thì không biết liệu điều động e-kip có kịp không vì hôm đó là ngày lễ. Sau khi hội ý cùng giáo sư Trần Ngọc Sinh, chúng tôi nhận tạng trong tình trạng chưa biết thông tin gì, nhóm máu chưa biết, có HIV hay viêm gan cũng chưa biết, chỉ thận là còn có chức năng. 

Tôi nhớ ngày hôm đó điều động rất nhiều người tham gia, về đến Bệnh viện Chợ Rẫy thì ai vào việc người đó. Chúng tôi làm việc suốt đêm để có kết quả sớm nhất, đồng thời tìm ra người nhận thích hợp. 

Cuối cùng thì trường hợp này chúng tôi đã ghép được hai thận cho cùng một người”, bác sĩ Thu chia sẻ.

Cho đi không nghĩ chuyện đền đáp

Tháng 8/2016, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tổ chức lễ tri ân những người hiến tạng và kỷ niệm 500 ca ghép thận thành công. 

Trước đó, bác sĩ Thu đã liên lạc với gia đình có người thân hiến tạng nhân đạo để mời họ đến tham dự. 

Từ đây, chị phát hiện ra nhiều gia đình trong thời gian qua phải sống trong cảnh điều tiếng của họ hàng, làng xóm vì nghi ngờ đã bán tạng người thân. 

Hiến tạng, ghép thận, ghép gan, bệnh viện, bác sĩ
Bác sĩ Ngọc Thu (ngoài cùng bên phải) thăm gia đình có người thân đã hiến tạng.

Như trường hợp của bà A.P có người con trai bị tai nạn giao thông, trong cơn thập tử nhất sinh không còn hy vọng sống, bà đã đồng ý hiến toàn bộ tạng của con trai gồm hai thận, hai giác mạc, tim và gan. 

Từ nguồn tạng hiến này, hai bệnh nhân suy thận đang nguy hiểm tính mạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được thay thận mới. 

Đáng nói, lá gan và trái tim của người hiến lập tức được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để tiến hành thay cho 2 bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối, còn có hai bệnh nhân nghèo khác được nhận hai giác mạc. May mắn là cả sáu ca ghép tiến hành thành công.

Đáng tiếc là việc làm rất đáng trân trọng của bà P đã không nhận được sự đồng thuận của gia đình chồng. Hàng xóm cũng dị nghị bà mang tạng con đi bán khiến bao năm nay bà sống trong cảnh chịu oan ức. 

Khi nhận hoa và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế tại lễ vinh danh, bà cảm thấy nhẹ lòng vì có bằng chứng để bà rửa oan, con trai bà ở đâu đó cũng có thể mỉm cười.

Nhiều gia đình thậm chí đã từ chối xuất hiện tại buổi lễ vinh danh. Trải qua nỗi đau mất người thân, lại phải đối diện với sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, giờ đây họ chỉ muốn lặng lẽ mà sống. 

Bác sĩ Thu chia sẻ, có người mẹ sau khi hiến tạng con trai, người thân giận dữ đã không cho phép bà mang xác con vào nhà. Bà phải dựng cái chòi nhỏ ngoài đồng để làm đám tang cho con. 

Quá áp lực trước chuyện dư luận đồn thổi là bán tạng của con, bà bỏ xứ từ miền Tây lên Củ Chi (TP.HCM) xin đi làm giúp việc. 

Khi chúng tôi liên lạc với bà S., người mẹ trong câu chuyện của bác sĩ Thu, bà nói không hối hận gì về quyết định của mình vì bà đã thay con làm một việc tốt cho đời. 

Bàn thờ không có di ảnh con trai, sau khi được bác sĩ Thu động viên đến tham dự lễ vinh danh, trở về bà lấy ngay kỷ niệm chương được Bộ trưởng trao tặng để lên bàn thờ con, thay cho di ảnh.  

Nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai, chỉ vài câu nói qua điện thoại, bà bảo đừng hỏi nhiều về chuyện của con trai vì bà sẽ khóc. Việc bà làm, bà tin con trai sẽ vui, chỉ vậy là bà đã an lòng. 

Dù không mong được đền đáp nhưng bà vẫn muốn biết người nhận tạng của con là ai. Bà chỉ cầu mong người đó sống thật khỏe như con trai bà đang sống trên cõi đời này.

Theo Võ Quỳnh (VietNamNet)