Ô tô cháy rụi ở cao tốc Pháp Vân, 8 tháng chủ chưa ‘đòi' được tiền bảo hiểm

21/08/2023 08:36:57

Gần 8 tháng kể từ ngày chiếc Hyundai Grand i10 của mình bị cháy rụi trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chủ xe vẫn chưa nhận được tiền đền bù từ Bảo hiểm Hàng không - VNI vì những bất đồng trong việc xác định giá trị xe.

Đang đi trên cao tốc, xe ô tô bốc cháy ngùn ngụt

Chia sẻ với VietNamNet về câu chuyện của mình, anh Đinh Minh Thái Sơn (36 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn không khỏi xót xa khi chiếc xe Hyundai Grand i10 (BKS 30F-049.xx) của mình "đang yên đang lành" thì bị cháy, và từ đó đến nay anh không có phương tiện để đi lại.

(Chiếc Hyundai i10 bị cháy trơ khung trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào ngày 29/12/2022 - Video do nhân vật cung cấp)

Cụ thể, ngày 29/12/2022, khi đang lái chiếc xe trên chở người nhà từ Hà Nội về quê trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, anh Sơn phát hiện có khói dưới nắp ca-pô. Ngay lập tức, anh đỗ xe vào làn khẩn cấp rồi cùng người nhà di chuyển đồ đạc thiết yếu ra ngoài, đồng thời lấy nước để dập lửa. Tuy vậy, do ngọn lửa bốc quá nhanh, anh Sơn đành bất lực đứng nhìn chiếc xế cưng của mình cháy rụi đến trơ khung.

Liên hệ với nhà cung cấp bảo hiểm vật chất ô tô là Công ty Bảo hiểm Hàng không Thăng Long (VNI Thăng Long), anh Sơn được nhân viên hướng dẫn quay chụp lại chiếc xe bị cháy để tiện cho việc giải quyết bảo hiểm sau này.

Tuy nhiên, quá trình ghi nhận tai nạn không có nhân viên nào của VNI đến hiện trường.

"Lúc này rất bối rối, tôi gọi bên cảnh sát phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn không cứu được chiếc xe. Sau đó tôi tự phải tự thuê cứu hộ kéo "xác xe" về trụ sở Công an huyện Phú Xuyên để điều tra nguyên nhân.

Bảo hiểm hoàn VNI Thăng Long toàn không hỗ trợ gì trong quá trình khắc phục hậu quả", anh Sơn nói.

Chiếc xe bị cháy trơ khung, nguyên nhân được kết luận do chập điện. (Ảnh NVCC)

Cũng theo chủ xe, kết quả giám định từ công an huyện, cơ quan CSĐT và Hội đồng định giá tài sản huyện Phú Xuyên sau đó kết luận chiếc Hyundai i10 của anh bị cháy do chập điện, giá trị tài sản được định là 190 triệu đồng, không có dấu hiệu xe bị cháy do tác động từ bên ngoài hoặc do con người gây ra.

Khách "tố" bảo hiểm định giá không có căn cứ

Để giải quyết bồi thường, Bảo hiểm VNI Thăng Long đã "yêu cầu" anh Sơn phải tự liên hệ với cơ quan công an để hoàn thiện các loại hồ sơ.

Đến ngày 27/4/2023, tức 4 tháng sau, anh Sơn mới nhận được thông báo của VNI Thăng Long về việc duyệt phương án bồi thường cho chiếc Hyundai Grand i10 bị cháy. Tuy nhiên, mức bồi thường của hãng bảo hiểm này đưa ra chỉ hơn 143,9 triệu đồng, trong đó, giá trị xe tại thời điểm tổn thất là 170 triệu đồng, trừ các loại tổn thất theo quy tắc bảo hiểm hơn 25,5 triệu và khấu trừ theo vụ 500 nghìn đồng.

Con số này thấp hơn hẳn so với giá trị tài sản là 190 triệu đồng do Hội đồng định giá tài sản huyện Phú Xuyên kết luận.

Thông báo duyệt phương án bồi thường của VNI Thăng Long gửi chủ xe. (Ảnh NVCC)

"Xe của tôi cháy vào thời điểm cận Tết, khi đó thị trường xe rất sôi động. Các xe Hyundai Grand i10 tương tự của tôi có giá 220-230 triệu đồng nhưng họ tự duyệt giá trị 170 triệu theo giá rao của một số trang bán xe vào tháng 4/2023 là không thể chấp nhận được", anh Sơn nói.

Cho rằng mức bồi thường trên là quá ít so với giá trị của chiếc xe và một số hạng mục mà VNI Thăng Long đưa ra không có căn cứ, gây bất lợi cho khách hàng, ngày 5/5/2023, anh Sơn tiếp tục gửi văn bản đề nghị nhà cung cấp bảo hiểm ô tô xem xét lại phương án đền bù.

Trong đó, chủ xe này đề nghị phía bảo hiểm định giá giá trị của xe ở thời điểm tổn thất là 210 triệu đồng chứ không phải 170 triệu đồng như phía VNI đơn phương đưa ra. Tuy vậy, ngày 8/5, VNI Thăng Long có văn bản phúc đáp giữ nguyên quan điểm về phương án bồi thường.

"Giá trị xe ghi trong hợp đồng bảo hiểm mà hai bên ký kết vào tháng 4/2022 là 270 triệu đồng. Không có lý gì chỉ sau vài tháng, đã bị bảo hiểm VNI "đánh tụt" 100 triệu đồng giá trị xe, chỉ còn 170 triệu đồng", anh Đinh Minh Thái Sơn bức xúc.

Ngoài ra, bộ phận khấu trừ mà phía VNI tính là bộ dây điện mới có giá tới hơn 25,5 triệu, trong khi bộ phận này nếu hàng bãi chỉ khoảng 5-7 triệu đồng.

"Đối với cả chiếc xe, bảo hiểm VNI cố tình định giá thật thấp. Nhưng bộ phận khấu trừ nguyên nhân gây cháy là bộ dây điện thì họ định giá cao quá đáng, theo giá bộ dây điện mới, cao tới hơn 15% giá trị. Thế này thì đúng là khách thiệt đơn thiệt kép", anh Sơn bức xúc.

Do chưa tìm được tiếng nói chung giữa khách hàng và phía bảo hiểm nên đến nay, dù sự việc đã xảy ra gần 8 tháng nhưng anh Sơn vẫn chưa thể nhận được tiền hỗ trợ từ phía VNI, gây khó khăn nhất định trong cuộc sống cũng như công việc.

"Hàng tháng tôi phải về quê đưa mẹ lên khám ở bệnh viện Bạch Mai. Vợ lại vừa có thêm em bé nên nhu cầu di chuyển bằng ô tô là rất lớn. Từ khi xe của tôi bị như vậy, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện vì thường xuyên phải thuê xe. Tôi rất tin tưởng và thiện chí hợp tác để giải quyết với VNI nhưng có vẻ như, hãng bảo hiểm đang "câu giờ", đồng thời áp đặt phương án theo hướng bất lợi cho khách hàng", chủ xe chia sẻ thêm.

Phía VNI nói gì?

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Thanh Lâm - Phó Giám đốc Ban Giám định bồi thường, Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không VNI cho biết, việc định giá tài sản chiếc xe Hyundai Grand i10 của anh Sơn bị cháy ở mức 170 triệu đồng được phía VNI căn cứ vào giá thị trường.

"Đây là chiếc xe đời 2014, số sàn, bản base và đã chạy dịch vụ. Trên các trang thương mại điện tử, những chiếc xe tương tự được bán với giá khoảng 170 triệu, chúng tôi đã căn cứ vào đó để định giá xe", ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng cung cấp cho PV một số bản chụp mẫu Hyundai Grand i10 tương tự được đăng trên các trang để đối chứng, giá bán dao động từ 168-175 triệu đồng.

Tuy nhiên, hầu hết những mẩu tin này được rao bán vào thời điểm tháng 4/2023 chứ không phải tại thời điểm xảy ra tổn thất là tháng 12/2022.

Việc định giá trị để giải quyết bảo hiểm cho xe được VNI căn cứ trên các trang thương mại điện tử. (Ảnh trong hồ sơ VNI cung cấp)

Khi được hỏi là vì sao khi ký hợp đồng với khách hàng vào tháng 4/2022, phía VNI lại để giá trị xe là 270 triệu, trong khi chỉ sau đó 8 tháng, chiếc xe lại được VNI định giá 170 triệu, đại diện VNI cho biết, giá trị đầu tiên ghi trong hợp đồng là 270 triệu là do khai báo của chủ xe chứ không phải thoả thuận giữa 2 bên. 

"Giá trị khai báo đó chỉ được áp dụng xem xét đối với trường hợp tổn thất bộ phận, còn đối với trường hợp tổn thất toàn bộ như chiếc xe Hyundai i10 bị cháy này thì được định giá lại giá trị xe ngay tại thời điểm trước khi xảy ra tổn thất", đại diện VNI nói.

Về bộ phận khấu trừ là hệ thống dây diện có giá trị tới hơn 25,5 triệu, ông Lâm cho biết: "Cuộn dây điện là nguyên nhân gây cháy có giá trị theo báo giá chính hãng là 34,1 triệu đồng. Theo quy định của công ty, xe hoạt động 6-10 năm sẽ tính khấu hao linh kiện ở mức 25%, nên giá trị còn lại của cuộn dây điện là khoảng 25,5 triệu đồng và khoản này không được bồi thường".

PV đặt câu hỏi "vì sao chiếc ô tô được VNI định giá theo giá thị trường là xe chạy dịch vụ, còn bộ phận loại trừ lại được định giá theo báo giá mới của hãng có khấu trừ theo quy định riêng chỉ là 25% liệu có bất hợp lý?".

Ông Lâm cho rằng, việc khấu trừ này vẫn có thể được xem xét lại theo đề nghị của khách hàng và có thể trừ theo tỷ lệ khấu hao của cả chiếc xe. Ví dụ xe ô tô có giá trị bằng 50% giá trị lúc lăn bánh thì bộ phận gây cháy cũng được khấu trừ đúng theo mức này.

"Chúng tôi chưa được phía khách hàng cung cấp thông tin là Hội đồng định giá tài sản của huyện Phú Xuyên định giá chiếc xe của anh Sơn là 190 triệu. Khi đã được biết rồi, VNI có thể lấy đó làm căn cứ để trình phương án xem xét bồi thường cho anh Sơn. Chúng tôi rất muốn được làm việc trực tiếp với khách hàng hoặc người đại diện để cùng đưa ra phương án hài hoà nhất ", Phó Giám đốc Ban Giám định bồi thường VNI nói.

 

Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)