Trước đó, tại đợt ô nhiễm không khí hồi cuối tháng 9, TS Hoàng Dương Tùng- Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây là hiện tượng bất thường, cần phải có những quan trắc và nghiên cứu sâu hơn mới có thể khẳng định được về nguyên nhân. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang thiếu hàng loạt điều kiện cần thiết để triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Trong sáng 6/11, các hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội đều ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím và đỏ (mức rất có hại và có hại đến sức khỏe con người). Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm không khí không chỉ xảy ra ở Hà Nội.
Chỉ số AQI cao
Vào lúc 7h sáng 6/11, tại Hà Nội, hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) ghi nhận tại điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ, chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 210. Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận chỉ số AQI lúc 6h lên tới 262 rất có hại cho sức khỏe. Hệ thống quan trắc PAMAir cũng cho thấy hơn 60 điểm đo ở Hà Nội đều ở ngưỡng đỏ (AQI từ 150-200) và tím (AQI từ 200-300).
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI Mỹ, AQI từ 200-300 thuộc nhóm rất xấu, tất cả mọi người có thể gặp tác động nghiêm trọng do ô nhiễm không khí, nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp nên ở trong nhà, nhóm khác nên hạn chế ra ngoài. Còn theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Úc, AQI chỉ trên 150 thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân của đợt ô nhiễm này có thể liên quan đến hiện tượng nghịch nhiệt vào mùa đông khiến không khí không khuếch tán được, giống như đợt ô nhiễm không khí kéo dài, cực kỳ nghiêm trọng cuối tháng 9 vừa qua. Ông Lê Thanh Hải- Tổng Thư ký Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam cho biết, trong điều kiện trời gió lặng, quang mây, ở tầng khí quyển từ 300-1000m thường hình thành một lớp sương mù tầng thấp, ngăn không cho lớp không khí ở dưới xáo trộn khiến chất ô nhiễm không khuếch tán mà đọng lại ở sát mặt đất. Lớp sương mù này hình thành vào đêm và buổi sáng, tan đi vào buổi chiều. Vì vậy ô nhiễm không khí nghiêm trọng diễn ra từ đêm đến sáng, buổi chiều được cải thiện. Trước đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, mùa Đông ở Việt Nam ô nhiễm hơn nhiều mùa hè do hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra hơn.
Chủ động bảo vệ sức khỏe
Trước đó, tại đợt ô nhiễm không khí hồi cuối tháng 9, TS Hoàng Dương Tùng- Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây là hiện tượng bất thường, cần phải có những quan trắc và nghiên cứu sâu hơn mới có thể khẳng định được về nguyên nhân. Hiện nay chúng ta chưa kiểm kê được các nguồn gây ô nhiễm nên không thể đặt hành động ưu tiên. Việt Nam cũng đang thiếu hàng loạt điều kiện cần thiết để triển khai các biện pháp lâu dài giảm thiểu ô nhiễm không khí. Hệ thống quan trắc của Việt Nam còn hạn chế: Hà Nội có 2 trạm quan trắc cố định (số liệu có độ tin cậy cao), TP Hồ Chí Minh không có trạm cố định nào. Việt Nam cũng chưa dự báo được chất lượng không khí khi số liệu quan trắc mỏng. Ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - loại bụi được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM¬ 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét). Với kích thước cực nhỏ này, khi hít vào, chúng sẽ thẩm thấu thẳng vào mạch máu và đi đến các cơ quan nội tạng quan trọng. Tiếp xúc trực tiếp với PM2.5 có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp, tim mạch và thần kinh nghiêm trọng. Chỉ số ô nhiễm PM2.5 ở mức 12 micro-gram/mét khối được xem như ở mức an toàn cho sức khỏe. Chỉ số này tương đương với AQI mức 50.
Theo các chuyên gia, để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí, người dân ra ngoài đường cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để bảo vệ đường hô hấp, tránh khói, bui, cần đeo kính bảo vệ mắt. Đối với những người thường xuyên trong nhà cũng nên đầu tư hệ thống các loại máy lọc không khí để đảm bảo sức khỏe, nhất là đối với các gia đình có người già và trẻ em. Người dân được khuyến cáo nên cập nhật thông tin chất lượng không khí hàng ngày tại các ứng dụng quan trắc như PAMAir, cem.gov.vn. Những ngày ô nhiễm lên ngưỡng đỏ, ngưỡng tím, mọi người nên hạn chế ra ngoài đường. Trường hợp ra ngoài đường cần đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5-loại bụi mà khẩu trang y tế hay khẩu trang thông thường không thể ngăn được, hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn.
Ngày 5/11, một nhóm hơn 11.000 nhà khoa học đến từ hơn 150 nước trên toàn thế giới đã cùng đưa ra tuyên bố cảnh báo Trái đất đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp khí hậu. Tuyên bố của các nhà khoa học đăng trên tạp chí Bio Science cho rằng, lượng khí nhà kính thải ra vẫn tăng chóng mặt, dẫn tới những ảnh hưởng mang tính tàn phá ngày càng tăng với khí hậu của Trái đất. Từ đó, các nhà khoa học kêu gọi cần có những thay đổi chính sách rộng lớn, gồm chuyển sang sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm đáng kể các chất thải gây ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và môi trường biển đang bị đe dọa, giảm lãng phí thức ăn và xây dựng một “nền kinh tế phi carbon”.
Theo An Thái (Đại Đoàn Kết)