Trong 3 tháng, Hà Nội có 78 ngày vượt chuẩn của thế giới về chỉ số hạt bụi lơ lửng gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe người.
Các chỉ số vẫn ở ngưỡng cao và chưa có dấu hiệu giảm trong 5 năm gần đây. Từ năm 2012 đến 2016, TSP (tổng các hạt bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 100 micromet) vượt ngưỡng cho phép 2-3 lần và thường tập trung ở trục giao thông đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Các đô thị vừa và nhỏ, TSP thấp hơn nhưng vẫn gấp 1,5-2 lần.
Chỉ số PM10 (hạt bụi lơ lửng đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet, có thể chui vào phổi) và PM2.5 (hạt bụi lơ lửng đường kính từ 2,5 micromet trở xuống, độc tính mạnh hơn PM10) dù có dấu hiệu tích cực hơn nhưng nồng độ bụi trung bình năm vẫn cao hơn quy chuẩn. Tại Hà Nội và các đô thị lớn, trên 20% số ngày trong năm có nồng độ PM10 và PM2.5 vượt ngưỡng.
Báo cáo của Tổ chức Green ID (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) ghi nhận, trong 3 tháng đầu năm 2017, Hà Nội có 37 ngày nồng độ PM2.5 cao hơn quy chuẩn Việt Nam và 78 ngày vượt chuẩn Tổ chức Y tế thế giới.
Theo đại diện Tổng cục môi trường, ở Bắc và Bắc Trung Bộ, ô nhiễm bụi thường tập trung vào các tháng mùa đông, ít mưa (tháng 11-3). Tại Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông.
Không chỉ bụi mà ô nhiễm tiếng ồn cũng đang là vấn đề báo động ở đô thị Việt Nam. Tại các tuyến giao thông lớn, ô nhiễm tiếng ồn đều vượt quy chuẩn trong khung giờ 6-21h.
Hơn 600 hộ dân ở Hà Nội bị bão bụi tấn công |
Để giảm thiểu ô nhiễm, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ và giảm thiểu các nguồn phát tán bụi, khí thải; loại bỏ các phương tiện giao thông đã hết niên hạn; xử lý triệt để và di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
Ông Tùng thông tin thêm, không khí ở Việt Nam có hàm lượng thuỷ ngân nhưng vẫn "dưới ngưỡng cho phép, chưa đáng ngại".
Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có hàng chục nghìn người mắc các bệnh liên quan đến hô hấp do ô nhiễm không khí, chiếm 3-4% tổng dân số. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ở đô thị phát triển cao hơn khá nhiều so với đô thị ít phát triển.
Những năm gần đây, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư... Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), trong khi số trẻ mắc bệnh ký sinh trùng, nhiễm trùng nhập viện ngày càng giảm thì bệnh lý hô hấp lại ngày càng tăng và chiếm 40-50% số bệnh nhi điều trị nội trú.
Theo Phạm Hương (VnExpress.net)