Mang bầu là thời kỳ vô cùng hạnh phúc nhưng cũng đầy thử thách trong cuộc đời người phụ nữ. Mọi người vẫn thường nhắc đến chuyện bầu bí với những mối lo lắng phổ biến như ăn uống gì, kiêng cữ gì... cho em bé trong bụng được thông minh, khỏe mạnh. Nhưng đến khi chính thức bước vào giai đoạn sắp làm mẹ này, chị Hà (quận 1, TP.HCM) mới phát hiện ra còn một mối lo không kém phần khủng khiếp, đó là đi khám thai ở đâu?
Theo lời truyền đạt kinh nghiệm của cô em gái, cộng thêm thông tin được các mẹ bầu chia sẻ trên các diễn đàn, chị Hà quyết định sẽ khám em bé tại một phòng khám có tiếng, quy tụ rất nhiều bác sĩ giỏi, nằm trên đường Lương Hữu Khánh (quận 1, TP.HCM). Và mặc dù ở đó có rất nhiều bác sĩ giỏi, nhưng em gái chị nói chỉ tin tưởng khám bác sĩ D. thôi.
Vì bác sĩ rất bận nên các bà bầu tới khám đều phải xác định tâm lý có thể sẽ phải chờ tới khuyaẢNH: LINH SAN |
Lần đầu tiên gọi điện lấy số, chị Hà bốc được số 10 và được hẹn 15 giờ chiều có mặt tại phòng khám. "Tới trễ hơn 30 phút, tôi vội vã vì sợ muộn, nhưng ai dè bác sĩ chưa tới, chỉ có một vài bệnh nhân đang ngồi chờ. Cô tiếp tân nói rằng tôi có thể ngồi chờ hoặc đi đâu đó rồi quay lại, vì chưa biết lúc nào bác sĩ mới tới. Tôi sửng sốt hỏi lại thì được biết bác sĩ D. rất bận, nếu 20 giờ tối bác sĩ chưa tới thì tôi có thể đến lấy lại sổ khám và được trả lại tiền", chị Hà kể.
Vì nhà gần nên vợ chồng chị Hà quyết định về. Chị liên tục gọi điện đến phòng khám để hỏi bác sĩ tới chưa nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời đầy thất vọng. Chị Hà bỏ khám tối hôm đó và đặt lịch sang hôm sau. Chia sẻ với cô em gái chị Hà mới được biết chuyện bác sĩ tới muộn là rất bình thường. Vì bác sĩ giỏi nên công việc rất bận, thêm nữa nếu vướng ca mổ đột xuất khì không biết lúc nào xong.
Buổi chiều ngày hôm sau chị Hà lại tới khám nhưng bác sĩ… vẫn chưa tới, và chị cũng chỉ nhận được lời hẹn rất mơ hồ của cô tiếp tân như lần trước. Chị kể: "Cô ấy cũng giải thích rằng bác sĩ rất bận nên nhiều hôm phải tới trễ. Tối hôm trước hơn 21 giờ bác sĩ mới tới. Nhưng chắc chắn bác sĩ sẽ tới, dù là đêm khuya nhưng bác sĩ sẽ tới và khám cho đến hết bệnh nhân cuối cùng. Vậy nên nhiều khi bác sĩ khám xong đã là 0 giờ, 1 giờ đêm".
Lần này chị Hà làm quen được với ông bảo vệ phòng khám. Chị để lại số điện thoại, nhờ khi nào bác sĩ tới thì ông ấy sẽ gọi báo. Đến hơn 21 giờ 30, ông bảo vệ báo bác sĩ đến rồi. Vậy là chị tất tưởi chạy đến phòng khám. Chị Hà rất quá ngạc nhiên vì tới giờ đó mà phòng khám còn rất đông bà bầu đi cùng chồng, thậm chí là mang theo cả con nhỏ.
"Buổi tối hôm đó tôi chờ tới hơn 23 giờ đêm mà vẫn chưa tới lượt khám, chồng tôi suốt ruột nói thôi bỏ về chứ không nhà đóng cửa. Cô y tá thấy thương tình nói tôi có thể vào xin khám trước. Nhưng ở đây ai cũng đang mang bầu, có rất nhiều chị vác bụng bầu to hơn tôi rất nhiều, làm sao tôi dám mở lời xin mọi người ưu ái. Tôi đành theo chồng đi về".
Tuy có tìm hiểu thêm vài địa chỉ khám thai nhưng chị Hà chỉ đi khám duy nhất một lần vì cảm thấy bác sĩ không tận tâm, tư vấn không nhiệt tình, phòng khám không đầy đủ thiết bị hiện đại… Đồng nghiệp của chị Hà cũng chia sẻ ở Sài Gòn, bác sĩ nào khám thai tốt đều rất đông. Vậy là chị quyết định quay lại với bác sĩ D.
Chị Hà được cô em gái chỉ cho cách lấy được số thứ tự nhỏ để hi vọng được khám sớm. "Lần thứ 3 quay lại, tôi cảm thấy cực kỳ may mắn vì được bác D. khám lúc 22 giờ đêm. Quả thực sự tận tâm của bác sĩ làm những bà bầu như tôi cảm thấy tin tưởng, yên lòng vô cùng. Tôi dần chấp nhận việc sẽ phải đi khám đêm như vậy, vì dù sao mỗi tháng cũng chỉ đi khám có một lần".
Những bà bầu kiên trì thức khuya
Ở phòng khám Lương Hữu Khánh này, ngoài những chuyện bầu bí thường ngày thì để vượt qua cơn buồn ngủ đêm khuya, người ta còn hay chia sẻ cho nhau những câu chuyện chờ bác sĩ tới dở khóc, dở cười.
Đơn cử như chuyện nhà chị Hà, có lần hai vợ chồng phải ra khách sạn ngủ để chờ khám. Chị Hà kể: "Chung cư nhà mình cứ 23 giờ đêm là đóng cửa. Có lần tới ngày khám, mình dặn ông bảo vệ khi nào bác sĩ tới thì gọi điện báo giúp. Tới tận 23 giờ kém bác sĩ mới tới. Vợ chồng mình xác định mang quần áo ra khách sạn ngủ vì biết khám xong về là chung cư đóng cửa. Vậy mà khi mình tới thì ông bảo vệ lại báo hôm nay ít bệnh nhân chờ, bác sĩ khám xong về mất rồi. Ôi thôi uổng công. Có lần ông bảo vệ gọi báo thì đã hơn 23 giờ 30 phút, chung cư đóng cửa rồi nên nhà mình chịu không đi được".
Chuyện nhiều ông chồng phải chở vợ tới khám từ chiều và “ngồi đồng” cho tới 22 -23 giờ đêm không hiếm ở phòng khám này |
Chị Lan (quận Gò Vấp, Phú Nhuận) mang bầu đã 37 tuần, và khám bác sĩ D. rất nhiều lần. Trước thắc mắc của người viết rằng tại sao nhiều bà bầu đi khám khuya như vậy, chị nói: "Lúc đầu cũng mệt mỏi lắm, chờ bác sĩ tới muộn, nhà xa nên có khi chờ đến 22 giờ đêm rồi phải bỏ về. Nhưng vì bác sĩ giỏi, khám rất tận tình, chị cảm thấy an tâm nên cố gắng. Mỗi lần đi khám là chị phải đi cùng chồng, mang theo cậu con lớn hơn 7 tuổi, xác định sẽ khám xong muộn, về trễ".
Bà bầu ngồi kế chị Lan chia sẻ: "Đúng là để khám được chỗ bác sĩ D. thì hơi cực lúc đi đăng ký và lúc chờ được vô khám. Nhưng bù lại, bác sĩ rất tận tình, nhỏ nhẹ trong việc giải thích cho thai phụ. Lại siêu âm tại chỗ nên cũng khỏe cho mình, không cần phải đi siêu âm chỗ khác rồi quay lại khám".
"Bác D. rất tận tình, mình rất thích bác, vì lúc nào bác cũng nhẹ nhàng, chỉ dẫn kỹ lưỡng, có lần đến lượt mình khám là gần 0 giờ đêm, vậy mà bác vẫn rất nhẹ nhàng, dù rất mệt. Chỉ có điều ngồi chờ ở phòng khám mà không biết bao giờ bác sĩ tới thì rất oải", một bà bầu khác đóng góp thêm ý kiến.
Căn phòng khám rộng khoảng 25m2 của bác sĩ D. luôn có nhiều bà bầu và những người phụ nữ khám hiếm muộn ngồi chờ. Chủ đích của bác sĩ là khi ông khám cho một người thì những người còn lại cũng có thể lắng nghe được những thông tin hữu ích cho mình. Còn phía ngoài căn phòng lại là một khu vực chờ rộng rãi hơn rất nhiều dành cho những người chưa tới lượt cùng người thân của họ. Ở đó có đặt cả nhiều đồ chơi có lẽ dành cho những em bé phải đi cùng bố mẹ.
Hơn 23 giờ đêm, cơn buồn ngủ kéo đến trĩu nặng mí mắt, nhưng vì niềm tin đặt vào bác sĩ, vì tình yêu, muốn dành mọi điều tốt nhất cho con, mà nhiều bà bầu vẫn cố gắng chờ đợi.
"Khi tôi kể với bạn bè chuyện mình đi khám phải chờ đến khuya, rất nhiều người nói vậy thì bác sĩ giàu thật, kiếm tiền như thế để đâu cho hết. Tôi lại nghĩ khác. Những bà bầu như tôi luôn cần một bác sĩ giỏi, tận tâm, nhưng quỹ thời gian một ngày của ai cũng có hạn. Tôi rất trân trọng việc bác sĩ D. dù khuya như thế nào cũng tới phòng khám và khám đến bệnh nhân cuối cùng. Chính tài năng và sự tận tâm của bác sĩ tạo ra niềm tin cho những bà bầu ở đây kiên nhẫn chờ đợi. Và cũng bởi họ tin rằng khám được bác sĩ giỏi là mang đến điều tốt nhất cho em bé của mình", chị Lan chia sẻ.
Theo Linh San (Thanh Niên Online)