Thăm chợ đầu mối Thủ Đức, Bí thư Đinh La Thăng đặt vấn đề liệu hàng vào chợ, công ty có thể biết chắc được nguồn gốc hàng hóa hay không.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng kiểm tra trái cây được bán tại chợ đầu mối Thủ Đức tối 24-01 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đêm 24-1, tức 27 tháng Chạp, ông Đinh La Thăng dẫn đầu đoàn làm việc tới thăm chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và chợ đầu mối nông sản Hóc Môn.
Hàng Trung Quốc: Rau củ hơn hơn 10%, trái cây 5%
Bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết không như hai chợ đầu mối còn lại, chợ đầu mối Thủ Đức chỉ chuyên kinh doanh hàng rau quả, trái cây. Mỗi đêm, lượng hàng về chợ khoảng 3.000-3.500 tấn, tháng Tết tăng lên khoảng 4.500 tấn. Đêm 23-1, lượng hàng hơn 6.200 tấn và dự báo đến tới 27-28 Tết sẽ tăng lên đến khoảng 7.000 tấn.
Trong số đó, bà Hà cho biết rau củ Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ hơn 10%, trái cây Trung Quốc hiện chiếm khoảng 5%.
“Tỷ lệ này đã giảm, do tâm lý e ngại của người tiêu dùng với hàng Trung Quốc, dẫn đến sức mua giảm”, bà Hà nói.
Về việc kiểm định các mẫu hàng hóa, bà Hà nêu thực tế hiện nay, kết quả kiểm định thường có rất chậm, khoảng một tuần lễ.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là số lượng vi phạm đã giảm dần so với những năm đầu. Năm 2016 đã xử lý khoảng 1-2 mẫu, còn lại các trường hợp kiểm định khác vẫn cho kết quả trong giới hạn được phép lưu hành.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng kiểm tra thùng đựng các loại trái cây có thương hiệu được bán tại chợ đầu mối Thủ Đức tối 24-01 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Liên quan đến nguồn gốc hàng hóa, Bí thư Đinh La Thăng đặt vấn đề liệu hàng vào chợ, công ty có thể biết chắc được nguồn gốc hàng hóa hay không.
Lãnh đạo công ty cho biết hàng tới chợ chỉ quản lý thông qua bao bì nhãn hiệu, còn hàng hóa bên trong không thể biết được. Nhiều khi sự phân biệt chỉ bằng kinh nghiệm.
Ông Thăng cho rằng trong điều kiện hiện nay, xây dựng chợ văn minh hiện đại thì phải quản lý được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Bí thư Thành ủy yêu cầu phải nghiên cứu biện pháp test nhanh, rút ngắn thời gian kiểm định.
Việc xây dựng thương hiệu tại chợ không phải theo sản phẩm, mà phải theo tên chủ vựa, theo tên người bán. Ai vi phạm thì công khai tất cả lên dư luận.
Thí điểm đấu giá nông sản
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty đề xuất TP và trung ương cho thí điểm việc đấu giá nông sản. Việc này Nhật Bản đã làm từ những năm 20 của thế kỷ trước và thực tế rất hiệu quả. Nhưng ở ta còn vướng nhiều về cơ chế, chưa có luật về đấu giá nông sản. Do vậy, công ty đã dành sẵn đất để làm rồi mà vẫn không được.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng gọi điện cho Chủ tịch tỉnh Hà Giang hỏi giá bán cam của người dân cho thương lái tại tỉnh Hà Giang tại buổi làm việc tại chợ đầu mối Thủ Đức tối 24-1) - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trước đề xuất này, Bí thư Đinh La Thăng khẳng định: “Phải thí điểm đấu giá nông sản”. Theo ông Thăng, nếu bây giờ đề nghị nhà nước làm luật thì rất khó. Bởi Luật phải xuất phát từ thực tiễn, mà thực tiễn ở ta chưa có. Còn nếu bê nguyên xi luật từ nước ngoài về thì không áp dụng được, vì không phù hợp với điều kiện đặc điểm tình hình.
“Có thể làm thí điểm, tự mình xây dựng lên. TP mình có truyền thống như vậy rồi: Từ thực tiễn của mình giúp Đảng nhà nước hình thành nên các cơ chế chính sách. Cứ thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm một vài cái trước, làm tốt thì nhân lên”, ông Thăng nói.
Theo Mai Hoa (Tuổi Trẻ)