Cụ thể, theo đại diện phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM), N.T.N.Y. (SN 2005, ở An Giang) đã đủ điều kiện về sức khỏe để xuất viện nhưng tâm lý vẫn còn bất ổn nên cần phải ở BV để theo dõi, hỗ trợ.
Trước đó vào ngày 3/12, Y. được chuyển từ BV Đa khoa Nhật Tân đến với chẩn đoán hạ đường huyết, cố tình tự đầu độc, theo dõi ngất xỉu, trào ngược dạ dày, đau đầu, táo bón.
3 ngày sau khi chuyển lên tuyến trên Y. còn bị đau đầu, hồi hộp nhiều, đánh trống ngực, buồn nôn. Em được chẩn đoán suyễn lúc 2 tuổi, không điều trị dự phòng, chưa ghi nhận tiền căn nhập viện vì cơn suyễn hay tiền căn dị ứng thuốc, thức ăn.
Tại BV Nhi Đồng 2, các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bằng than hoạt tính, kháng sinh Claminat, Paracetamol giảm đau.
Sau điều trị em tỉnh, tiếp xúc tốt, vẫn còn khóc và xúc động khi nhắc đến mối quan hệ với các giáo viên trong trường lớp.
Y. ngủ hay bị giật mình, không sốt, không ho, ăn uống được, giảm mệt, đau đầu ít, chóng mặt ít, tiêu tiểu bình thường.
Chuyên viên tâm lý tại BV Nhi đồng 2 nhận định nữ sinh rối loạn stress sau sang chấn tâm lý.
Trong suốt quá trình trao đổi với chuyên viên tâm lý em vừa nói vừa khóc và có nhiều cảm giác uất ức khi nói về lớp học, trường học.
Em luôn thắc mắc không biết mình đã làm gì sai và điều đáng lo là em vẫn còn ý nghĩ chán sống.
Đặc biệt Y. chia sẻ với chúng tôi, rằng không biết sau vụ việc thầy cô có thay đổi hay không nhưng bản thân "không dám trở lại trường nữa".
"Chuyên viên tâm lý hỗ trợ tâm lý cho em bằng cách nói chuyện, khuyên nhủ, giải tỏa áp lực cho em.
Bên cạnh đó cũng tư vấn cho người nhà em cách để an ủi, bên cạnh bệnh nhi, nếu bệnh nhi có dấu hiệu như mệt mỏi, giam mình, chán ăn, hay lo lắng… người nhà phải đưa em đi BV để được hỗ trợ thêm tránh để bé một mình dễ làm điều dại dột" - đại diện BV chia sẻ.
Hiện tại Y. cảm thấy khá hơn sau mỗi lần gặp chuyên viên tâm lý, cảm thấy tĩnh tâm hơn dù hiện tại những hình ảnh về sự việc xảy ra vẫn còn ám ảnh.
Do đó mỗi buổi chiều em đều đến gặp chuyên viên tâm lý để được nâng đỡ tinh thần.
Các bác sĩ khuyến cáo trẻ ở giai đoạn dậy thì sẽ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Ba mẹ cần ở quan tâm, theo dõi những biến đổi trong thái độ, hành vi, tính tình của trẻ, nói chuyện với con nhiều hơn để sớm phát hiện đề về tâm sinh lý.
Như đã thông tin, theo lời kể của nữ sinh Y. và gia đình, xuất phát từ việc Y. chỉ học phụ đạo 1 trong 6 môn mà bà Huỳnh Thị Thu Huệ liên tục "để ý", bắt lỗi học sinh.
Đến vào ngày 27/11, Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương bất ngờ gửi thông báo về việc Y. vi phạm điều lệ trường.
Cụ thể, các vi phạm mà nhà trường cho rằng Y. mắc phải là: Phản ánh với gia đình sự việc xảy ra ở trường không đúng sự thật gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình.
Gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học.
Y. bị yêu cầu viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần, từ 1-12/12.
Ngoài ra nữ sinh còn phải đến trường sớm để được 2 cô, trong đó có cô Huệ dạy dỗ quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường.
Đáng nói theo chị ruột của nữ sinh, việc kiểm điểm còn được công khai, nêu tên trước toàn trường trong buổi chào cờ. Điều này khiến tinh thần của Y. bị ảnh hưởng nặng nề.
Đến sáng 30/11, Y. uống 10 viên sabutamol (trị hen phế quản) và ngất trong nhà vệ sinh của trường, để lại 2 lá thư tuyệt mệnh kể rõ việc uất ức của mình.
Sau sự việc, Sở Giáo dục - Đào tạo An Giang đã vào cuộc xác minh và quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng trường và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 7/12) vì phát hiện sai sót.
Gia đình cũng đã gửi đơn đến công an tố cáo ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương; bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Hiệu phó trường và bà Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của Y. khiến nữ sinh phải tự tử.
Theo Hoàng Lê (Pháp Luật & Bạn Đọc)