Nữ sinh bị cưa cụt chân: Bệnh viện hứa lo lâu dài

16/03/2016 11:15:48

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị khẩn trương xác minh thông tin, làm rõ sự việc.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị khẩn trương xác minh thông tin, làm rõ sự việc.

Đừng chỉ là lời hứa!

Chiều 15-3, chị Lê Thị Thùy Trang, chị của cháu Vi, đã thông tin về buổi làm việc của gia đình với BV Đa khoa huyện Cư Kuin. Theo đó, ngoài việc thừa nhận việc cháu Vi bị cưa chân là do các y, BS của BV huyện tắc trách và yếu kém về chuyên môn, ông Tâm cũng hứa sẽ có trách nhiệm với cháu về các mặt như viện phí, bồi thường những thiệt hại về sức khỏe, tinh thần. Ngoài ra, ông này còn hứa sau khi cháu Vi học được một ngành nào đó hợp với khả năng của cháu, sẽ nhận cháu vào làm việc tại BV Đa khoa huyện Cư Kuin.

Trao đổi thêm với PV, chị Trang cho biết gia đình mong muốn BV phải có văn bản về việc chắc chắn lo cho em gái của mình chứ không phải là lời hứa như bây giờ.

Vợ chồng chị Lan bên giường bệnh của cháu Vi tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: TÙNG SƠN


Không thể cứu được chân cháu Vi

Trước đó, BS Đỗ Lê Hoàng Sơn, khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy, cho biết cháu Vi được BV tỉnh Đắk Lắk chuyển đến khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy vào lúc 8 giờ tối 11-3 trong tình trạng tỉnh táo, đau chân phải và mang nẹp vải. Kết quả khám tại khoa Cấp cứu và hội chẩn cùng khoa Chấn thương Chỉnh hình, BS chuyên khoa mạch máu chẩn đoán gãy mâm chày (ngay đầu gối) bên phải, theo dõi chèn ép khoang. Kết quả chụp mạch máu chân bên phải cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch cẳng chân phải.

Sáng 12-3, bệnh nhân than đau nhiều nên được BS khám, đánh giá lại tình trạng và thấy chân không thay đổi, có nổi bóng nước nhiều. Chiều cùng ngày, bệnh nhân có chỉ định mổ. “Chúng tôi giải thích cho người nhà bệnh nhân tình trạng chân phải có khả năng hư, khi mổ sẽ thám sát, nếu cố gắng giữ được thì giữ, còn không thì sẽ cắt. Kết quả mổ cho thấy các cơ chân không còn sống nên không thể giữ được chân và các BS đã cắt  1/3 dưới đùi phải (trên đầu gối), mõm cụt hiện khô nhưng vẫn còn đau” - BS Sơn cho biết.

Theo BS Sơn, việc gãy mâm chày thì tỉ lệ tổn thương mạch máu kèm theo bên trong rất cao do mạch máu bị đụng dập, nên BS thường đề phòng và khám cẩn thận thường xuyên. Ngay lúc bệnh nhân chấn thương khám mới biết được. Trong trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện sớm, được chẩn đoán chính xác chỉ tổn thương mạch máu và phục hồi lưu thông mạch máu thì sẽ cứu được chân.

Tại BV, chị Nguyễn Thị Lan, mẹ cháu Vi, cho biết cháu bị tai nạn (ngày 6-3) một ngày sau khi đi thi học sinh giỏi địa lý cấp tỉnh về. Tâm sự với chúng tôi, cháu Vi nói mình bị người ta tông. Cháu nói mình muốn về đi học với bạn. Cháu bảo ước mơ lớn lên làm công an. Chỉ nói được vài câu thì giọt nước mắt buồn đã lăn tròn trên đôi má!

Bộ Y tế đề nghị làm rõ trách nhiệm

Cũng trong chiều 15-3, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị khẩn trương xác minh thông tin, làm rõ sự việc y, BS BV huyện Cư Kuin tắc trách dẫn tới việc cháu Vi phải cưa cụt chân và “xử lý theo quy định hiện hành”. Sau đó công khai thông tin kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông”, đồng thời báo cáo kết quả về Cục trước ngày 28-3 để Cục tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.
 

Tai nạn “đúp”

Trưa 6-3, cháu Vi đi học về thì bị tai nạn giao thông, được đưa vào cấp cứu tại BV Cư Kuin. BV chẩn đoán bị gãy mâm chày chân phải nên bó bột. Tối cùng ngày, Vi kêu đau và bị sưng, phần dưới không còn cảm giác. Tới sáng 8-3, các BS mới đồng ý tháo bột cho Vi.

Trưa 11-3, BV đồng ý cho Vi chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, các BS cho biết cơ chân Vi bị hoại tử, đứt hết các mạch máu nên tiếp tục chuyển bệnh nhân xuống BV Chợ Rẫy nhưng đã muộn, Vi phải phẫu thuật cắt bỏ gần hết chân phải.

Sau sự việc này, BV đã đưa cho gia đình bệnh nhân 20 triệu đồng và tới thăm, động viên gia đình, khắc phục bước đầu hậu quả.

Không hội chẩn là vi phạm

Khi điều trị bệnh nhân mà thấy tiến triển không tốt thì phải hội chẩn theo quy chế hội chẩn: cấp độ khoa, liên khoa. Nếu không hội chẩn là vi phạm hội chẩn. Nếu có sai sót chuyên môn thì bệnh viện phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường cho bệnh nhân.

TS-BS BÙI MINH TRẠNG, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

 
 
>> Vụ thiếu nữ bị cưa chân: Đình chỉ bác sĩ, điều dưỡng
>> Đau đớn nữ sinh mất chân vì bệnh viện tắc trách
>> Thiếu nữ bị cưa 1 chân vì lỗi bác sĩ: “Mẹ ơi đừng khóc, con vẫn còn sống mà”
 
Theo Duy Tính - Tiến Anh - Đức Minh (Pháp Luật TP HCM)

Nổi bật