“Tôi cảm ơn anh Hải ở quận 1. Nhờ anh đã tạo động lực khí thế cho anh em ở quận 10 tham gia trong chiến dịch chung này của thành phố...”- nữ Phó chủ tịch quận 10 - Trần Thị Thu Nga chia sẻ.
Những ngày qua, lực lượng chức năng của các quận, huyện tại TP.HCM đã đồng loạt triển khai “chiến dịch” lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Trong đó, lãnh đạo của nhiều quận, huyện là các Chủ tịch, Phó chủ tịch đã dẫn đầu đoàn công tác, trực tiếp xuống đường xử lý các trường hợp vi phạm.
So với các quận khác, Q.10 tỏ ra đặc biệt hơn khi có một nữ lãnh đạo làm “đầu tàu” cho công tác này, đó là bà Trần Thị Thu Nga - Phó Chủ tịch UBND.
Bà Trần Thị Thu Nga - Phó Chủ tịch UBND Q.10 liên tục xuống đường cùng đoàn liên ngành để chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường |
“Một số đồng nghiệp ở quận có hỏi tôi là nữ có đi nổi không, nhưng nam hay nữ gì cũng vậy, nhiệm vụ thì phải làm thôi. Đồng ý, tôi là nữ nên còn liên quan đến chuyện gia đình nữa. Tuy nhiên, trước khi triển khai công tác này, tôi đã nhận định và quán triệt tư tưởng của những người thân trong gia đình”- nữ Phó chủ tịch quận 10 chia sẻ.
Theo bà Nga, ban đầu, bà hơi lo ngại về phản ứng của người dân, do không biết công tác vận động, tuyên truyền của phường đã có tác động tích cực tới người dân nhiều chưa. Nếu người dân chưa được tuyên truyền sâu rộng thì họ sẽ có phản ứng ngay. Rất may, khi xuống trực tiếp hiện trường, cấp phường đã tuyên truyền tương đối rộng nên người dân phần lớn thể hiện sự đồng thuận.
Phó chủ tịch Nga cho rằng cần phải tuyền truyền thật kỹ để tạo điều kiện cho người dân đồng thuận, tự giác và hạn chế đối đầu, xung đột |
“Mình cảm ơn anh Hải (ông Đoàn Ngọc Hải- PV) ở quận 1. Nhờ anh đã tạo động lực khí thế cho anh em ở quận 10 tham gia trong chiến dịch chung này của TP. Mình lên tinh thần cho anh em rằng, nếu đã có quyết tâm thì chắc chắn làm được thôi”- bà Nga nói về người đồng cấp.
Nữ lãnh đạo quận 10 chia sẻ thêm: Qua cách làm của quận 1, phía quận 10 cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm để khi mình là người đi sau làm có nhiều thuận lợi hơn. Ví dụ như mình tập trung cho công tác tuyên truyền cho thật kỹ. Thứ hai là tạo điều kiện đồng thuận, hạn chế tối đa chuyện cưỡng chế, tháo dỡ, đập phá hoặc là xử lý đối đầu, xung đột.
Khi mình ra quân thì nêu cao tính tiên phong, xông xáo của cán bộ, Đảng viên. Nếu có kiểm tra, xử lý thì phải xử lý trước các trụ sở cơ quan Nhà nước. Những kinh nghiệm từ quận 1 như thế nên khi làm không vấp phải sự phản ứng của người dân. Tại sao làm nhà dân mà trụ sở Nhà nước không làm…(?)
Muốn lập trung tâm ẩm thực đường phố
Theo bà Nga, khó khăn của quận hiện nay là việc dọn dẹp, sắp xếp các hộ buôn bán hàng rong, xe đẩy. Thứ hai là các nhà hàng, quán ăn tổ chức giữ xe trên vỉa hè không có phép.
Đối với những hộ kinh doanh không có điểm kinh doanh cố định (như hàng rong, xe đẩy), quận linh hoạt sắp xếp vào bên trong khu vực dân cư còn khoảng trống. Những khu vực này có thể sắp xếp lại chỗ cho bà con buôn bán, không lấn chiếm vỉa hè. Bên cạnh đó, quận tổ chức khảo sát các khu vực chợ còn ki ốt trống để giới thiệu người dân vào đó kinh doanh.
Phó chủ tịch quận 10, cho biết sẽ nghiên cứu lập trung tâm ẩm thực để người bán hàng rong có chỗ kinh doanh bài bản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm |
“Đó chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, quận đang tính toán, đề xuất những địa điểm tương đối rộng để xây dựng trung tâm ẩm thực đường phố, nhằm giúp bà con vào buôn bán cho quy củ, bài bản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng này sẽ lâu dài và mình phải khảo sát rất kỹ mới được”- nữ Phó chủ tịch quận 10 chia sẻ.
Theo bà Nga, hiện nay trên địa bàn quận 10 có những khu đất trống có diện tích hàng ngàn mét vuông nhưng chưa triển khai dự án và đang bỏ trống, cho thuê làm bãi giữ xe. Quận sẽ lên phương án thu hồi lại để tổ chức trung tâm ẩm thực.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ trình Quận ủy để tổ chức sớm cho bà con ổn định cuộc sống trong quá trình quận thực hiện chấn chỉnh trật tự lòng lề đường”- bà Nga khẳng định và cho biết những bãi đất trống này đã được TP giao cho quận quản lý. Do đó, quận có thể chủ động sử dụng tạm thời quỹ đất để tổ chức nơi buôn bán cho bà con.
Theo Tuấn Kiệt (VietNamNet)